Cùng đi có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Thanh, TVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy.
Đoàn đã nghe báo cáo kết quả triển khai các đề tài, dự án ứng dụng KHCN phục vụ sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Báo cáo nêu rõ: Hoạt động quản lý KHCN trên địa bàn; các đề tài, dự án được triển khai; trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có các đề tài: Xây dựng mô hình nuôi nhím và lợn bản địa tại vùng phụ cận Vườn Quốc gia Cúc Phương, xây dựng mô hình lúa chất lượng cao LT2 và cánh đồng thu nhập 50 triệu đồng/ha; ngoài ra còn có các mô hình nuôi ếch lồng, trồng nấm, nuôi ngao, sản xuất giống thỏ NiuDilân… Ở lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có các đề tài: Nghiên cứu phương pháp khai thác nạo vét duy trì độ sâu luồng cửa Đáy bằng hệ thống bơm chìm, máy khuấy; ứng dụng công nghệ xử lý nước thải bằng hợp chất Pôlyme trong sản xuất giấy; hoàn thiện công nghệ chế biến nguyên liệu bẹ chuối tạo hàng xuất khẩu…
Ở lĩnh vực KHXH và nhân văn, có các đề tài "Đổi mới phương pháp dạy học ở Trường CĐSP Ninh Bình", "Nghiên cứu biên soạn nội dung và phương pháp giảng dạy lịch sử, địa lý, văn học địa phương cho học sinh các trường trung học ở Ninh Bình"; "Dư địa chí Ninh Bình", "Đánh giá tình hình nhiễm hóa chất BVTV trong rau quả và nhiễm hoóc môn tăng trưởng trong thịt gia súc, gia cầm"...
Thăm mô hình nuôi ếch lồng Thái Lan tại Yên Khánh. Ảnh: Đức Lam
Lĩnh vực điều tra cơ bản có "Đánh giá tiềm năng nguyên liệu đôlômít vùng núi đá Ninh Bình, điều tra chi tiết hóa một số vùng trọng điểm"; "Điều tra xác định nguyên nhân hạ thấp mực nước ngầm huyện Yên Khánh, huyện Kim Sơn"... Nhìn chung các đề tài, dự án triển khai trong những năm qua đều bám sát và phục vụ trực tiếp mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, không tránh khỏi còn sự dàn trải, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và công tác quản lý Nhà nước về KHCN trên địa bàn. Tỉnh Ninh Bình còn thiếu một đội ngũ cán bộ khoa học giỏi, có đủ khả năng tổ chức, tập hợp, thực hiện đề tài, dự án. Trình độ ngoại ngữ, tin học của cán bộ khoa học còn yếu và thiếu. Nguồn vốn dành cho nghiên cứu KHCN còn ít. Công tác tuyên truyền kết quả nghiên cứu khoa học, mở rộng mô hình chưa được chú trọng. Một số đề tài nghiên cứu hàm lượng khoa học còn thấp, nặng về diễn giải, chất tìm tòi, sáng tạo khoa học thấp...
Đoàn đã đi thăm thực tế một số mô hình khoa học đang được triển khai trên địa bàn: Mô hình nuôi ếch lồng Thái Lan tại gia đình ông Phạm Xuân Thạch và ông Trịnh Lương Triều (xóm 4, Khánh Công, Yên Khánh).
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nêu rõ: Trong các năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều dự án, đề tài ở các lĩnh vực khác nhau; các đề tài đã tập trung nhiều cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đã có những đề tài được nhân dân thừa nhận như Đề tài áp dụng CNTT ở xã Đồng Phong (Nho Quan).
Tuy nhiên, nếu nhìn nghiêm túc thì thấy chưa có đề tài mũi nhọn, còn sự dàn trải và chưa có "cú hích" khẳng định; việc ứng dụng chưa được phổ biến rộng rãi. Các ý kiến kiến nghị của cán bộ Sở là nghiêm túc: Biên chế, luân chuyển cán bộ, đào tạo cán bộ... Chú ý đến tính đặc thù của Sở Khoa học trong việc tuyển chọn nguồn nhân lực công tác ở đây. KHCN là lĩnh vực có tính khoa học, tính quy luật nên chi bộ ở đây phải làm tốt công tác tư tưởng, ổn định tình hình, tạo mối đoàn kết trong cơ quan.
Đinh Chúc