Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban quản lý Công viên động vật hoang dã Quốc gia cho biết: Dự án công viên động vật hoang dã Quốc gia tại tỉnh Ninh Bình có diện tích khoảng 1.155 ha với 7 phân khu chính. Trong đó phân khu động vật hoang dã là tâm điểm của dự án với diện tích trên 400 ha và được tổ chức theo các mô hình cảnh quan đặc trưng của các phân vùng trên thế giới như sa mạc châu Phi, các bộ lạc Nam Mỹ và các vùng rừng rậm nhiệt đới châu Á.
Đến thời điểm này, Ban quản lý dự án đã cùng với các đơn vị tư vấn hoàn thiện đồ án quy hoạch 1/2000 và các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các phân khu, các dự án thành phần. Đồng thời, tiến hành công bố, cắm các mốc giới; giải phóng mặt bằng môt số hạng mục triển khai trước; rà phá bom mìn; xây dựng các tuyến đường giao thông và đang triển khai xây dựng khu thú dữ Châu Á.
Đặc biệt, thời gian qua, Ban Quản lý dự án đã tạo điều kiện thu hút được nguồn vốn phi chính phủ đầu tư hơn 100 tỷ đồng vào đầu tư xây dựng trại nuôi dưỡng, bảo tồn gấu. Song song với các công việc trên, Ban quản lý cũng đang triển khai một số mô hình điểm của Sở NN&PTNT như mô hình nuôi bò 3B, nuôi lợn rừng... Hiện toàn bộ cán bộ, công nhân viên của Ban quản lý đã chuyển lên khu nhà công vụ của Ban quản lý tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan để làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Ban quản lý dự án. Đồng thời, đồng chí đề nghị, thời gian tới Ban quản lý cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tập trung tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng; ưu tiên các hạng mục công trình trọng điểm đặc biệt là đường giao thông, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư.
Đồng chí nhấn mạnh, Công viên động vật hoang dã quốc gia này là một dự án quan trọng, là bước đột phá để hình thành cơ cấu du lịch dịch vụ, phát triển lâm nghiệp tại địa phương đồng thời góp phần gắn kết và khai thác các tour tuyến du lịch hiện có của Ninh Bình.
Trước đó, Đồng chí Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đinh Chung Phụng cùng các thành viên trong đoàn và cán bộ, công nhân viên Ban quản lý dự án đã tiến hành trồng cây xanh xung quanh các tuyến đường và khuôn viên khu nhà công vụ của Ban quản lý tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan.
* Cùng ngày, đồng chí Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT đi thăm mô hình kinh tế đồi rừng của gia đình anh Nguyễn Văn Chuyên, thôn Anh Trỗi, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan.
Mô hình kinh tế đồi rừng của gia đình anh Chuyên có tổng diện tích hơn 4 ha. Thời gian qua, được sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật của Sở NN&PTNT anh đã đưa vào trồng thử nghiệm 270 ha cây mắc ca; 1 ha bưởi bao gồm giống bưởi đỏ Hòa Bình và bưởi Phúc Trạch; 1 ha cam Cao Phong và cam Khe Mây.
Ngoài ra để tăng hiệu quả kinh tế anh Chuyên còn trồng xen dứa và một số cây trồng khác. Anh Chuyên đưa vào áp dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt trên toàn bộ diện tích nhằm tiết kiệm và tăng hiệu quả nước tưới, giảm công lao động. Hiện tại, các cây trồng đều đang phát triển khá tốt, riêng cây mắc ca đã bắt đầu ra hoa.
Qua thăm mô hình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Chung Phụng đánh giá cao sự sáng tạo trong phát triển kinh tế đồi rừng của anh Nguyễn Văn Chuyên. Đồng chí yêu cầu ngành nông nghiệp, trực tiếp là Chi cục Kiểm Lâm cần tiếp tục theo dõi hỗ trợ anh Chuyên thực hiện mô hình. Từ đó làm cơ sở chọn ra những giống cây lâm nghiệp mới có năng suất, chất lượng cao để khuyến khích đưa vào sản xuất, giúp người dân các địa phương có diện tích đồi rừng lớn có điều kiện tăng thu nhập và làm giàu.
Tin, ảnh: Hà Phương - Đức Lam