Tại các địa phương, Đoàn đã nghe lãnh đạo các huyện báo cáo về tình hình diễn biến dịch tả lợn châu Phi, số lượng và quy trình tiêu hủy, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống dịch và các đề xuất kiến nghị.
Tại huyện Yên Khánh, ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại một hộ dân của xã Khánh Công. Ngày 24/4, huyện đã có quyết định công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến ngày 13/5, đã có 16/19 xã công bố dịch; xã Khánh Mậu và thị trấn Yên Ninh có lợn ốm chết nghi mắc dịch tả châu Phi, hiện đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Chỉ còn xã Khánh Hồng chưa có hiện tượng lợn ốm chết.
Từ khi phát hiện dịch bệnh trên đàn lợn tới nay, huyện Yên Khánh đã tổ chức tiêu hủy hơn 150 tấn lợn đúng theo quy định, thành lập 10 chốt kiểm dịch tạm thời tại các bến đò ngang giáp ranh với tỉnh Nam Định, lập 33 chốt đường bộ tại các xã.
Các lực lượng tiến hành kiểm đếm và đưa lợn dịch đi tiêu hủy tại xã Khánh Trung, Yên Khánh.
Tại huyện Kim Sơn, hiện đã có 7 xã công bố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn đã tiêu hủy là 519 con, trọng lượng trên 38 tấn. Đoàn công tác đã trực tiếp xuống kiểm tra tình hình tại xã Xuân Thiện, huyện Kim Sơn. Được biết, xã Xuân Thiện là ổ dịch lớn nhất của huyện. Tính đến ngày 15/5, xã Xuân Thiện đã phát hiện 7 ổ dịch tại các hộ chăn nuôi, chính quyền xã đã tổ chức tiêu hủy hơn 210 con lợn với tổng trọng lượng là gần 16 tấn.
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác, lãnh đạo huyện Yên Khánh và Kim Sơn đã nêu rõ một số khó khăn, vướng mắc gặp phải trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Đó là khó tìm được vị trí thích hợp để tổ chức tiêu hủy, thiếu nguồn kinh phí, thiếu hóa chất để tiêu độc khử trùng...
Trao đổi với lãnh đạo các địa phương, đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các huyện, các xã trong việc chỉ đạo công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Đồng chí nhấn mạnh các địa phương cần tiếp tục tập trung cao độ, kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Đối với những khó khăn về nguồn kinh phí của các địa phương, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các xã chủ động trích nguồn quỹ dự phòng để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Về tình trạng thiếu hóa chất, đồng chí yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT để báo cáo số lượng cần cấp bổ sung; với những loại hóa chất thông thường, các huyện chủ động trích nguồn ngân sách để mua bổ sung, kịp thời phục vụ công tác phòng chống dịch, tỉnh sẽ nghiên cứu và cấp bổ sung nguồn ngân sách.
Hoạt động chốt kiểm dịch động vật số 2 tại xã Xuân Thiện, Kim Sơn.
Về việc tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương dù khó khăn đến đâu cũng phải đảm bảo việc tiêu hủy đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, các địa phương cần quy hoạch vùng tiêu hủy tập trung, xây dựng kịch bản tiêu hủy cụ thể để không gặp lúng túng trong việc tổ chức thực hiện, lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường và sẵn sàng các phương án khắc phục sự cố ô nhiễm có thể xảy ra.
Về việc giá hỗ trợ cho các hộ dân có lợn tiêu hủy, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp, tránh tình trạng trục lợi chính sách, gây thất thoát ngân sách, lãnh phí cho xã hội.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đặc biệt yêu cầu các địa phương tiếp tục tập trung tuyên truyền, cán bộ lãnh đạo phải gần dân, sát dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, đồng thời xây dựng phương án phục hồi sản xuất sau dịch bệnh để ổn định đời sống cho bà con nhân dân.
Thái Học - Trường Giang