Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo một số ban, ngành Trung ương; đại diện Thường trực 29 tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Bắc từ Quảng Bình trở ra; các chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực tư pháp và Tổ Biên tập, một số thành viên Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết. Đại biểu tỉnh Ninh Bình có đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy: Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, công tác tư pháp, cải cách tư pháp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đã sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
Đổi mới tổ chức, hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, phù hợp với chủ trương xã hội hóa; Ưu tiên đầu tư xây dựng trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc cho các cơ quan tư pháp phù hợp với tính đặc thù của hoạt động tư pháp;
Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp, đáp ứng các yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia và bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài;
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và các hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân đối với các cơ quan tư pháp, hoạt động tư pháp. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có nhiều tiến bộ, từng bước hạn chế được tình trạng oan, sai….
Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu tập trung vào một số nội dung như: Đánh giá kết quả nổi bật sau 15 năm thực hiện Nghị quyết; những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW nhấn mạnh, cải cách tư pháp là vấn đề hết sức hệ trọng liên quan đến các thể chế chính trị, quyền con người, quyền công dân và sự ổn định phát triển của đất nước.
Đồng chí ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến sâu sắc, trách nhiệm, tâm huyết, vừa đề cập đến những vấn đề chiến lược, vừa đề cập đến những vấn đề cụ thể. Các ý kiến tại hội nghị đã nêu được một số vấn đề mới, trọng tâm, phản ánh khái quát và đồng thời cũng phân tích nhiệm vụ thực tiễn, các nguyên nhân tồn tại, hạn chế…
Qua đó thống nhất xác định rõ vai trò của cải cách tư pháp trong quyền lực nhà nước; bảo đảm phổ quát của nền tư pháp trên thế giới; xây dựng niềm tin vào công lý và công bằng; cơ chế kiểm soát quyền tư pháp, tiếp tục xây dựng hoàn thiện pháp luật cả về hình sự, dân sự và tố tụng tư pháp; xem xét những nhiệm vụ mà Nghị quyết 49-NQ/TW đã đề ra nhưng chưa được thực hiện để đưa vào Nghị quyết mới cho phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với cải cách pháp luật.
Đồng chí Bí thư Trung ương Đảng đề nghị Tổ Biên tập Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, sớm hoàn thiện dự thảo Đề án, báo cáo Ban Chỉ đạo cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị theo Kế hoạch./.
Lê Chung- Văn phòng Tỉnh ủy