Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Ban liên lạc Hội đồng hương Ninh Bình tại Hà Nội
Thứ Năm, 06/10/2022, 07:20
Zalo
Chiều 6/10, tại trụ sở UBND tỉnh, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn đại biểu Ban liên lạc Hội đồng hương Ninh Bình tại Hà Nội do Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, Chủ tịch Hội đồng hương Ninh Bình tại Hà Nội làm trưởng đoàn.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Ban liên lạc Hội đồng hương Ninh Bình tại Hà Nội
Lãnh đạo một số sở, ngành, cơ quan của UBND tỉnh; lãnh đạo huyện Yên Mô tham dự buổi làm việc.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ vui mừng, phấn khởi được đón Đoàn đại biểu Ban Liên lạc Hội đồng hương Ninh Bình tại Hà Nội. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất trân trọng, cảm ơn tình cảm, trách nhiệm, sự sẻ chia, đóng góp thiết thực của Hội đồng hương Ninh Bình tại Hà Nội đối với tỉnh nhà thời gian qua.
Tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu đã nghe đề xuất về ý tưởng bảo tồn và phát huy giá trị di sản gốm Bồ Bát (xã Yên Thành, huyện Yên Mô) của Ban liên lạc Hội đồng hương tỉnh Ninh Bình tại Hà Nội.
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm trao đổi tại buổi làm việc.
Theo đó, ý tưởng bảo tồn và phát huy giá trị di sản gốm Bồ Bát nhằm phát huy giá trị của hai di sản tầm quốc gia là di chỉ khảo cổ Mán Bạc và gốm cổ Bồ Bát, kết nối với các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh thành một không gian bảo tồn di sản độc đáo, vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển nghề gốm, vừa là điểm tham quan, du lịch, nghiên cứu tìm hiểu các giá trị lịch sử - văn hóa của di chỉ khảo cổ Mán Bạc và gốm cổ Bồ Bát; nơi giao lưu, kinh doanh thương mại, trưng bày, quảng bá các sản phẩm gốm cổ Bồ Bát - Bát Tràng và các dòng gốm nổi tiếng trong nước, khu vực và quốc tế...
Từ ý tưởng nêu trên hình thành dự án Tổ hợp bảo tồn và phát huy giá trị di sản gốm Bồ Bát; địa điểm tại xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Quy mô dự án là một dự án lớn cấp tỉnh, trong tương lai có thể lập dự án cấp quốc gia, quốc tế gồm 5 thành phần, trong đó có Bảo tàng lịch sử về di chỉ Mán Bạc, Đền thờ các bậc tổ nghề, Bảo tàng "Nghìn năm nghề gốm, đồ gốm Bồ Bát - Bát Tràng"...
Nhân dịp này, Ban Liên lạc Hội đồng hương Ninh Bình tại Hà Nội kiến nghị tỉnh sớm thu thập dữ liệu để số hóa, xây dựng hồ sơ công nhận di chỉ khảo cổ Mán Bạc và nghề gốm cổ Bồ Bát là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia; những công cụ chế tác gốm, sản phẩm gốm cổ Bồ Bát từ thời Phùng Nguyên và một số giai đoạn lịch sử sau này đã được khảo cứu, lưu giữ là bảo vật quốc gia.
Bên cạnh đó là tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học về lịch sử nghề gốm cổ Bồ Bát, các sản phẩm gốm trong nhóm bảo vật thuộc dòng gốm cổ Bồ Bát - Bát Tràng để làm rõ thêm các cơ sở khoa học, các giá trị của một di sản về gốm lâu đời ở Việt Nam...
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, các đại biểu làm rõ thêm giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và kinh tế từ ý tưởng bảo tồn và phát huy giá trị di sản gốm Bồ Bát; trao đổi một số vấn đề cần quan tâm để có thể triển khai thực hiện.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đánh giá cao ý nghĩa, giá trị thực tiễn của ý tưởng và khẳng định qua đây có thể thấy được sự quyết tâm, tình cảm, trách nhiệm với quê hương của những người con Ninh Bình tại Hà Nội.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng trao đổi với các đại biểu về quá trình hình thành ý tưởng, tư duy, tầm nhìn, mục tiêu cụ thể và việc thực hiện các bước để tỉnh có Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể Danh thắng Tràng An như hôm nay; về tầm nhìn chiến lược, quy hoạch không gian, quy hoạch tổng thể và những việc làm cụ thể để phục vụ mục tiêu phát triển của tỉnh như quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Đông -Tây... qua đó khẳng định hoàn toàn có đủ cơ sở, điều kiện và sự quyết tâm để thực hiện.
Nhận định ý tưởng bảo tồn và phát huy giá trị di sản gốm Bồ Bát của Ban liên lạc Hội đồng hương tỉnh Ninh Bình tại Hà Nội đề xuất có ý nghĩa rất lớn; với những nghiên cứu bước đầu có giá trị rất rõ, bổ sung vào những kết quả nghiên cứu mà tỉnh, trung ương và các nhà khoa học đã thực hiện từ trước đến nay. Tỉnh cũng xác định văn hóa, di sản văn hóa cũng là nguồn lực, là tài nguyên phải được cụ thể trở thành nguồn lực, động lực cho sự phát triển.
Do đó về phía tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành văn hóa và các cơ quan báo chí cần phải đẩy mạnh tuyên truyền; địa phương phải có trách nhiệm, nỗ lực thực hiện để tạo sự đồng thuận của quần chúng nhân dân để có thể thực hiện thành công ý tưởng này.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo ngay sau buổi làm việc này, cùng với việc ban hành Thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh để các cấp, các ngành có cơ sở tổ chức thực hiện, giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai. Trong đó chủ trì tham mưu để UBND tỉnh tổ chức hội thảo khoa học trong năm 2022 để có kết luận về nội dung này nhằm củng cố cơ sở khoa học.
Cùng với đó là nghiên cứu xây dựng đề án về việc phục hồi phát huy các giá trị của Mán Bạc và Bồ Bát, trong đó tính toán các hợp phần cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện. Đối với những vấn đề khó khăn vướng mắc có thể phát sinh, khi triển khai sẽ nghiên cứu giải quyết, khắc phục.