Tại huyện Yên Khánh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên đã đến thực tế tại mô hình sản xuất và tiêu thụ rau quả an toàn của Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghệ xanh, ở xã Khánh Cư. Đây là mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp theo hình thức doanh nghiệp đứng ra mua lại đất nông nghiệp của bà con nông dân để tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn.
Hiện nay, tổng diện tích của Công ty là 15 ha, chuyên sản xuất các loại rau, củ, quả, hành lá và lúa đặc sản theo quy trình VietGap, tạo việc làm cho khoảng 60 lao động với thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng. Thị trường tiêu thụ là Hà Nội, đồng thời phối hợp tiêu thụ cho tập đoàn VinGroup; Sam sung, Công ty VietRap, Việt Xanh...
Đoàn cũng đã tới thăm nhà máy chế biến nông sản đang chuẩn bị đi vào hoạt động của Công ty cổ phần chế biến nông sản Việt Xanh tại xã Khánh Hội. Nhà máy được xây dựng trên quy mô diện tích 1 ha, với công suất chế biến khoảng 2-3 nghìn tấn rau củ quả (chủ yếu là dưa chuột, cà chua, ớt) và khoảng 2 nghìn tấn dứa mỗi năm, thu hút khoảng 200 lao động; doanh thu khoảng 5 triệu USD/năm.
Dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ thu mua, bao tiêu sản phẩm cho phần lớn diện tích trồng rau củ quả của huyện Yên Khánh cũng như 1 phần diện tích sản xuất dứa của huyện Nho Quan.
Đoàn công tác cũng đến kiểm tra thực tế mô hình tích tụ ruộng đất trồng khoai tây giống và khoai tây thương phẩm của Công ty cổ phần Tổng Công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu trạch tả của HTX dịch vụ thương mại Nghĩa Hưng, Khu du lịch sinh thái trải nghiệm đồng quê Công Thiên Linh, xã Khánh Thủy; mô hình nhà lưới chống bão, chống nóng, sản xuất rau, quả an toàn của Sở NN&PTNT tại thị trấn Yên Ninh.
Tại các nơi đến thăm, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự năng động của các đơn vị, doanh nghiệp và hộ dân trong việc áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn. Đồng thời, chia sẻ, trao đổi với đơn vị, doanh nghiệp và người dân về những khó khăn, hiệu quả của mô hình, tình hình thị trường và đầu ra của sản phẩm.
Đồng chí mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp và người dân tiếp tục nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến và mạnh dạn áp dụng vào sản xuất thực tiễn, nâng cao giá trị kinh tế. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm các mô hình nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc và áp dụng các chính sách hỗ trợ của tỉnh, đặc biệt là các vấn đề về vốn, đất đai.
Từ đó, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý trước dự báo về các đợt rét đậm, rét hại, Yên Khánh cần tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.
Tại huyện Kim Sơn, đồng chí Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh và Đoàn đã đi thăm mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới của Công ty CP đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh vàmô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà nổi có mái che của Doanh nghiệp tư nhân Tân Vân đều ởthị trấn Bình Minh.
Đoàn thăm mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại Cty CP đầu tư phát triển Bình Minh.
Đây là hai mô hình điển hình, đi tiên phong trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản, nhờ đó sản xuất được 3 vụ tôm/năm, năng suất 45-50 tấn tôm/ha/năm, trong đó có một vụ tôm đông cho giá trị đặc biệt lớn.
Ghi nhận sự mạnh dạn của 2 đơn vị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ cho nhân dân trong vùng học tập, áp dụng, biến Kim Sơn thành một vùng sản xuất tôm tầm cỡ ở khu vực phía Bắc. Đồng chí cũng lưu ý các ngành có liên quan, chính quyền địa phương tạo điều kiện về thủ tục, pháp lý để doanh nghiệp được sử dụng đất lâu dài, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Về kiến nghị của Công ty CP đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh muốn tỉnh hỗ trợ làm một con đường dẫn vào khu dự án của Công ty, tỉnh sẽ sớm cho triển khai vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa để nhân dân quanh vùng đi lại thuận tiện hơn.
Cũng trong buổi làm việc, Đoàn công tác còn đến thăm Doanh nghiệp Kim Dâng, tại Thị trấn Bình Mình, tìm hiểu tình hình sản xuất, khắc phục khó khăn của đơn vị sau đợt giá lợn hơi sụt giảm. Sau đó, thăm mô hình nuôi hàu giống tại hộ gia đình anh Nguyễn Hải Đăng, xã Kim Trung. Mô hình có diện tích 2 ha, sản lượng 40 triệu hàu giống/năm, doanh thu 1,4 tỷ đồng/năm.
Cho rằng, hàu là một loại hải sản có giá trị kinh tế cao vì vậy việc một số hộ dân ở xã Kim Trung đã sản xuất thành công giống hàu là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành thủy sản Ninh Bình nói chung và lĩnh vực sản xuất giống thủy sản nói riêng, tuy nhiên đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng gợi ý để sản xuất bền vững, không chịu tác động nhiều của thời tiết khí hậu, tăng giá trị kinh tế các hộ nên đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng nhà lưới, nhà có mái che.
Hà Phương- Đức Lam