Trường Cao đẳng nghề LILAMA-1 trước đây là Trường Công nhân Kỹ thuật Lắp máy Ninh Bình thuộc Liên hiệp các xí nghiệp Lắp máy Việt Nam (Bộ Xây dựng). Năm 2006, trường được nâng cấp thành trường Cao đẳng nghề trực thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam.
Đến tháng 5/2014, Trường là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng quản lý. Hiện nay, trường thực hiện hợp đồng đặt hàng đào tạo nghề với Bộ Xây dựng, Tổng cục Dậy nghề, Tổng công ty LILAMA và các doanh nghiệp ngoài xã hội với quy mô đào tạo hàng năm trên 1.500 học sinh, sinh viên ở các trình độ: cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và đào tạo ngắn hạn theo quy định.
Chất lượng đào tạo ngày càng tăng, hằng năm tỷ lệ khá, giỏi chiếm từ 20-25%, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp từ 90-97%; học sinh tốt nghiệp ra trường trên 90% đều được bố trí việc làm tại các công trình trọng điểm của ngành Xây dựng.
Trải qua gần 40 năm xây dựng và phát triển, Trường đã đào tạo ra hàng vạn cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề cung cấp cho các doanh nghiệp, cho ngành Xây dựng và cho xã hội, góp phần vào công cuộc CNH- HĐH đất nước.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo nhà trường kiến nghị, đề xuất với Bộ Tài chính quan tâm cấp kinh phí đầu tư để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất nhà trường; hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị theo Chương trình mục tiêu Quốc gia việc làm và dạy nghề; hàng năm cấp kinh phí bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên… để thực hiện mục tiêu Trường Cao đẳng nghề LiLAMA 1 trở thành trường điểm Quốc gia khu vực phía Bắc về chế tạo, lắp đặt cơ khí và nghề điện.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện các thày cô giáo và học sinh, sinh viên nhà trường đã phát biểu ý kiến trao đổi, phản ánh tâm tư, nguyện vọng về những vấn đề quan tâm như: tình trạng hiện nay chế độ lương và chính sách đãi ngộ cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp chưa thu hút được người học nghề sau khi tốt nghiệp vào làm tại các doanh nghiệp do nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động chưa qua đào tạo nhưng trả lương gần bằng người được đào tạo tại các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề nên chưa khuyến khích được sự đầu tư của gia đình cho con em vào học tại các cơ sở đào tạo; tình trạng "thừa thày, thiếu thợ" trong xã hội...
Từ đó, kiến nghị các bộ, ngành cần có sự phối hợp có cơ chế thực hiện hiệu quả việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS; đề nghị việc triển khai thực hiện Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ cần phải có lộ trình về thời gian dài hơn so với quy định đồng thời có chế độ ưu đãi đối với người học nghề và đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo nghề…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã biểu dương và đánh giá cao những thành tích mà Nhà trường đã đạt được trong những năm qua.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Trong thời gian tới, trước những thời cơ và thách thức của quá trình hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, với mục tiêu xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng nghề Lilama-1 trở thành trường trọng điểm về đào tạo nghề cấp Quốc gia, trường cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo phải gắn với thực tế, theo chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật phù hợp với yêu cầu phát triển xây dựng đất nước và khu vực.
Cùng với đó, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường cần đoàn kết, có tinh thần quyết tâm đổi mới, năng động tìm kiếm các hợp đồng đào tạo nghề cũng như việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Về những kiến nghị, đề xuất của nhà trường, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ghi nhận, tiếp thu và giao cho các cơ quan chức năng của Bộ xem xét, giải quyết. Đồng chí hứa với cương vị của mình sẽ tham gia tích cực với Ban Chấp hành Trung ương, với Chính phủ và để có những chủ trương, giải pháp rõ ràng, phù hợp hơn, tạo sự đồng thuận của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên….
Thùy Phương- Thế Minh