Sáng 10/12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã đi tham quan một số mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp. Cùng đi có các đồng chí: Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở NN&PTNT, Hội Nông dân tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Đoàn đã đến thăm mô hình trồng cây Mắc-ca tại xã Kỳ Phú (Nho Quan); mô hình trồng cây đậu sao tại xã Đông Sơn (TX Tam Điệp); mô hình nuôi vịt trời, trồng khoai tây bằng máy tại xã Khánh Tiên (Yên Khánh). Cán bộ và nhân dân các nơi đến thăm đã báo cáo với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí cùng đi những nét khái quát về mô hình đang triển khai. Theo đó: Mắc-ca là loại cây trồng mới du nhập vào Việt Nam. Cây có nguồn gốc từ Úc với giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở Việt Nam, ít sâu bệnh… Theo tính toán, một cây Mắc-ca có thể cho tới 70 kg hạt và bán với giá 15 USD/kg, với 1 ha trồng được khoảng 240-250 cây. Như vậy 1 ha trồng Mắc-ca sẽ cho thu nhập cao gấp 6-7 lần so với việc trồng cây cà phê. Trên địa bàn tỉnh hiện đã đưa vào trồng 10 ha cây Mắc-ca tại huyện Nho Quan với tỷ lệ sống đạt 90% và cây đã cao 50-60 cm.
Mô hình trồng cây đậu sao được thực hiện tại xã Đông Sơn (Tx Tam Điệp). Đây cũng là loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, nguồn gốc từ Pêru mới được du nhập vào nước ta trong những năm gần đây. Loại cây họ đậu này có thể sống được hàng chục năm và sau 3 tháng trồng là đã ra hoa, kết quả.
Mô hình nuôi vịt trời tại trang trại của anh Phạm Văn Nhật, xã Khánh Tiên (Yên Khánh). Với quy mô 2 ha, tại đây đang nuôi khoảng 100 con gà rừng, 1.300 con vịt trời đẻ, 800 vịt con và còn đang ấp khoảng 8.000 trứng. Vịt trời là loại gia cầm ít bệnh tật, dễ nuôi và hiện đang bán khoảng 180.000-200.000 đồng/kg. Trang trại đang đề nghị huyện hỗ trợ, giúp đỡ mở rộng quy mô sản xuất.
Mô hình trồng khoai tây bằng máy được thực hiện bởi Công ty tư vấn và đầu tư thiết bị máy nông nghiệp Việt Nam. Công ty thuê hơn 20 ha đất của nông dân đến hết vụ xuân năm 2015 với đơn giá 500.000 đồng/sào để trồng khoai tây xuất khẩu. Điều đáng nói là toàn bộ quy trình, công đoạn của mô hình như làm đất, trồng, bón phân, vui xới, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch… đều được thực hiện bằng máy. Mục tiêu của mô hình là giới thiệu và áp dụng cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp trên cơ sở đó mà nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế. Từ mô hình này trong các vụ sau, nhân dân và các địa phương có thể tham quan học tập và áp dụng trên cơ sở hợp tác với công ty trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Được biết, công ty cũng đã triển khai mô hình như vậy tại xã Khánh Hòa với quy mô 25 ha, nâng tổng số mô hình trồng khoai tây bằng máy trên địa bàn huyện Yên Khánh lên gần 50 ha.
Trao đổi với lãnh đạo Sở NN&PTNT, cán bộ và nhân dân các địa phương nơi đến thăm, đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy biểu dương ngành Nông nghiệp đã tích cực tìm tòi, đưa các giống cây trồng mới cũng như mô hình sản xuất mới về địa bàn. Tuy nhiên đây là những cây trồng mới, mô hình mới nên cần phải tiếp tục theo dõi; tổng kết, rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình. Việc nhân ra diện rộng cần phải tính toán kỹ đến vấn đề tiêu thụ sản phẩm...
Đinh Chúc