Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nghe lãnh đạo xã Ninh Vân báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội và làng nghề chế tác đá mỹ nghệ của địa phương. Ninh Vân là xã miền núi. Trong những năm qua, nghề chế tác đá mỹ nghệ của xã đã phát triển mạnh mẽ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho nhân dân và đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Hiện nay, cơ cấu nông nghiệp của xã chiếm 20%; tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và làng nghề chiếm 80%. Tổng giá trị phát triển kinh tế - xã hội của xã năm 2011 đạt trên 135 tỷ đồng, riêng giá trị sản xuất TTCN, dịch vụ và làng nghề đạt trên 107 tỷ đồng. Nghề đá mỹ nghệ của Ninh Vân đã có từ hơn 400 năm nay.
Trong cơ chế thị trường, nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân được phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Đến nay toàn xã có 13/13 làng đều làm nghề đá, trong đó 5 làng đã được công nhận làng nghề cấp tỉnh. Xã có gần 80 doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động. Trên 2.800 lao động đã tham gia làm nghề đá, chiếm trên 53% lao động toàn xã. Sản phẩm đá mỹ nghệ Ninh Vân đã có mặt ở mọi miền đất nước, xuất khẩu sang Lào, Camphuchia, Mỹ và các nước Đông Âu.
Năm 2004, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch xây dựng làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân với diện tích 23 ha, thực hiện trong 2 giai đoạn, giai đoạn I có diện tích 11 ha. Được sự hỗ trợ của tỉnh và huyện, cơ sở hạ tầng của làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân giai đoạn I đã được đầu tư xây dựng như: đường giao thông, đường điện, trạm điện, hỗ trợ san lấp mặt bằng... Hội làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân đã được thành lập để hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ các thành viên trong các hoạt động khai thác, chế tác và quảng bá sản phẩm. Xã Ninh Vân cũng là xã làm điểm của tỉnh trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Qua nghe báo cáo tình hình của xã và đi thăm một số doanh nghiệp, khu sản xuất của làng đá mỹ nghệ Ninh Vân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã ghi nhận những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là sự phát triển của làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, mô hình phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Vân cần được tổng kết kinh nghiệm, làm cơ sở để tỉnh nghiên cứu, xây dựng mô hình phát triển công nghiệp ở các địa phương khác, nhất là trong thực hiện xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Với truyền thống và tiềm năng của làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, cần có cơ chế đặc thù cho sự phát triển của làng nghề. Để xây dựng làng nghề trở thành một trung tâm chuyên sản xuất đá mỹ nghệ chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, cần phải xây dựng khu giới thiệu sản phẩm làng nghề; xây dựng các doanh nghiệp tiêu biểu, tiến tới thành lập Hiệp hội doanh nghiệp đá mỹ nghệ Ninh Vân để cùng với chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó cần chú trọng liên kết với các trường để tổ chức dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động địa phương. Các doanh nghiệp cần quan tâm nghiên cứu làm các sản phẩm tinh xảo phục vụ khách du lịch, phục vụ xuất khẩu; chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; làm hồ sơ đăng ký xây dựng thương hiệu... Hội làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân cần tăng cường sinh hoạt, khẳng định vai trò của Hội trong cơ chế thị trường.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý, địa phương cần chú trọng công tác quy hoạch làng nghề để phát huy được lợi thế, giữ gìn, bảo tồn và phát triển làng nghề, gắn với xây dựng nông thôn mới. Về các kiến nghị, đề xuất của địa phương, đồng chí sẽ đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị có liên quan quan tâm xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Ngọc Minh