Cùng dự buổi làm việc còn có đồng chí Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ban Dân vận Tỉnh ủy; Văn phòng Tỉnh ủy.
Thay mặt ngành Giáo dục- đào tạo, đồng chí Vũ Văn Kiểm, TUV, Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2014- 2015.
Năm học này, ngành tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền thực hiện tốt việc duy trì, ổn định quy mô trường, lớp các cấp học. Đến tháng 12- 2014 Ninh Bình là tỉnh thứ 8 của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2, về đích sớm một năm so với kế hoạch. Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ. Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng cao. Chất lượng giáo dục phổ thông có nhiều tiến bộ.
Ở các cấp học, tỷ lệ học sinh học lực khá, giỏi tăng, tỷ lệ học lực yếu giảm. Kết quả thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh cao đẳng, đại học của Ninh Bình trong 5 năm qua luôn đứng ở tốp 10 tỉnh, thành phố có kết quả cao trong toàn quốc. Thành tích thi học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế ổn định và có sự phát triển trong 5 năm gần đây. Năm học 2014- 2015 học sinh Ninh Bình tiếp tục giành thành tích tốt tại các kỳ thi, cuộc thi cấp quốc gia, khu vực…
Về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, theo quy chế thi hiện hành, Bộ Giáo dục- Đào tạo tổ chức 2 loại cụm thi. Trong đó, thí sinh Ninh Bình đăng ký thi tại cụm thi do trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) tổ chức có 6.049 thí sinh; thí sinh tại tỉnh do Sở Giáo dục- Đào tạo phối hợp với trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp tổ chức có 3.370 thí sinh; Thí sinh đăng ký thi chỉ để xét tuyển cao đẳng, đại học là 584 thí sinh.
Sở Giáo dục- Đào tạo đã phối hợp với 2 trường đại học để tổ chức các điều kiện cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, tạo tâm thế tốt nhất cho thí sinh, giành kết quả cao nhất. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh trong việc lựa chọn các trường THPT để đặt điểm thi tại tỉnh, hướng dẫn các nhà trường tuyên truyền, tư vấn để học sinh, phụ huynh học sinh nắm vững được các thông tin cơ bản về kỳ thi, hướng dẫn học sinh đăng ký dự thi, tổ chức ôn tập…
Tại buổi làm việc, các ý kiến phát biểu xoay quanh việc chuẩn bị các điều kiện để thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia tại cụm thi do trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) tổ chức hiện đang được nhiều phụ huynh học sinh quan tâm về: việc bố trí ăn, nghỉ cho thí sinh và người nhà tại các điểm thi sẽ dẫn đến tình trạng quá tải vì đây là cụm thi có số lượng thí sinh lớn nhất cả nước với trên 35.000 thí sinh, trong đó thí sinh Ninh Bình là 6.633 thí sinh; Việc tổ chức bồi dưỡng các môn học tự chọn còn nhiều khó khăn do có những môn học có ít thí sinh lựa chọn; Nhiều đổi mới của kỳ thi liên quan đến thí sinh dự thi…
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDK T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao những kết quả ổn định trong những năm gần đây của ngành Giáo dục- Đào tạo đạt được đã góp phần khẳng định vị thế của giáo dục Ninh Bình trong cả nước.
Đồng chí yêu cầu ngành Giáo dục- Đào tạo cần quan tâm thực hiện tốt một số vấn đề: Về thực hiện nhiệm vụ năm học 2014- 2015, cần rà soát lại các nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm học để hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra; Trong việc chuẩn bị tổng kết năm học, là năm đầu tiên bậc tiểu học thực hiện đổi mới đánh giá học sinh không bằng điểm số, cần quan tâm việc nhận xét, đánh giá học sinh như thế nào để đảm bảo khách quan, toàn diện về năng lực của học sinh, đảm bảo việc đánh giá đi vào thực chất, thực tế.
Về kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, ngành cần chuẩn bị tốt mọi điều kiện, có nhiều giải pháp, nhất là quan tâm nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên trong việc tổ chức ôn luyện, hướng dẫn học sinh các kỹ năng làm bài. Sở cần quan tâm chỉ đạo các nhà trường tổ chức các kỳ thi thử để làm căn cứ đánh giá năng lực học sinh, có sự điều chỉnh trong tổ chức ôn tập kiến thức cho học sinh; Về công tác tổ chức, phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia của Sở Giáo dục- Đào tạo, Sở cần tăng cường mối quan hệ với các trường đại học tổ chức cụm thi tại Thanh Hóa và Ninh Bình để chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi.
Tiếp tục theo dõi diễn biến kỳ thi, có đề xuất kịp thời với tỉnh các giải pháp thuận lợi nhất phục vụ cho kỳ thi. Đồng thời, ngành Giáo dục- đào tạo cần phối hợp tốt với hội cha mẹ học sinh, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn làm tốt công tác tư vấn, bàn hướng tổ chức cho thí sinh dự thi tại cụm thi ngoài tỉnh về việc bố trí, tìm chỗ ăn, nghỉ trong thời gian dự thi của thí sinh và người nhà.
Đối với những đề xuất của ngành, tỉnh luôn quan tâm, có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của tỉnh.
Phan Hiếu