Tại huyện Yên Khánh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đi kiểm tra thực tế tại trang trại hộ gia đình ông Phạm Văn Miễn (xóm 6, xã Khánh Thủy) và kiểm tra việc tiêu hủy lợn dịch tại trang trại gia đình ông Nguyễn Thuyết Minh (xóm 13, xã Khánh Công). Trong đó, hộ gia đình ông Phạm Văn Miễn nuôi 1.500 con lợn, gia đình ông đã thực hiện nghiêm ngặt việc phòng ngừa dịch bệnh, chú ý kiểm soát từ nguồn nước, nguồn thức ăn, môi trường, người ra vào khu trang trại... tránh không để lây nhiễm, đến thời điểm hiện nay, trang trại lợn của gia đình ông Miễn phát triển bình thường, không có dấu hiệu của bệnh dịch.
Theo báo cáo của UBND xã Khánh Thủy, thời điểm hiện nay trên địa bàn xã chỉ có một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ1-2 con do công tác phòng chống dịch tả Châu Phi chưa cao nên đã có biểu hiện nhiễm dịch chết lẻ tẻ, đã được tiêu hủy theo đúng quy định; còn lại tất cả các hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại đều thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, nên đến nay tình hình dịch tả Châu Phi cơ bản được ổn định.
Đối với hộ gia đình ông Nguyễn Thuyết Minh (xóm 13, xã Khánh Công), trang trại của gia đình ông nuôi tổng số trên 400 con lợn, hiện nay đàn lợn đã bị nhiễm bệnh dịch tả Châu Phi, khiến gia đình ông đang phải thực hiện tiêu hủy toàn bộ đàn lợn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đến kiểm tra trực tiếp tại gia đình có lợn dịch tiêu hủy tại Yên Khánh.
Theo báo cáo của UBND huyện Yên Khánh, đến ngày 23/5, trên địa bàn huyện đã có 18/19 xã công bố dịch tả lợn Châu Phi. Hiện nay, huyện đang nỗ lực tuyên truyền tới tất cả các hộ chăn nuôi lợn các thông tin tình hình bệnh dịch, công tác phòng chống dịch bệnh để người chăn nuôi chủ động, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, bảo vệ chăn nuôi và quán triệt các đơn vị thực hiện nghiêm các giải pháp ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Tại huyện Kim Sơn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác đã đến thăm hộ gia đình ông Trần Văn Thành (xóm Trung Chính, xã Văn Hải), gia đình ông Thành có nuôi hơn 20 con lợn, tuy nhiên đàn lợn này cũng đã bị nhiễm bệnh dịch tả Châu Phi và vừa được đưa đi tiêu hủy.
Theo lãnh đạo huyện Kim Sơn, đến ngày 24/5 huyện Kim Sơn có 16/27 xã, thị trấn đã công bố lợn bị nhiễm bệnh dịch tả Châu Phi, tiêu hủy 1.680 con lợn (bằng 2,7% so với tổng đàn lợn trên địa bàn huyện). Hiện nay huyện đã thực hiện hỗ trợ được trên 3 tỷ đồng cho các hộ dân có lợn bị nhiễm bệnh và đang tiếp tục khảo sát tất cả các hố tiêu hủy, đảm bảo công tác phòng, chống bệnh dịch.
Đồng chí bí thư kiểm tra, động viên hộ gia đình anh Trần Văn Thành, xã Văn Hải, huyện Kim Sơn.
Trong dịp này, lãnh đạo 2 huyện đã đề nghị tỉnh chỉ đạo các sở, ngành sớm thực hiện các biện pháp giúp các hộ chăn nuôi có lợn chưa bị nhiễm dịch sớm tiêu thụ được lợn sạch ra thị trường, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại cho người chăn nuôi, đồng thời cũng để giảm tỷ lệ bùng phát dịch. Giới thiệu cho người dân các cơ sở cung cấp thức ăn chăn nuôi đảm bảo, giúp người chăn nuôi biết để mua chăm sóc cho đàn lợn.
Đồng thời, tiến hành tiêu hủy hết các nguồn thức ăn tại các trang trại đang bị nhiễm dịch, không để thức ăn đó quay lại thị trường. Tăng cường hỗ trợ thêm hóa chất sát trùng phục vụ cho phòng chống dịch và tiêu hủy lợn. Cùng với đó, sớm hỗ trợ đủ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy.
Đến kiểm tra thực tế tại các hộ gia đình, chứng kiến sự mất mát của các gia đình có lợn bị nhiễm dịch, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã động viên, chia sẻ tới các hộ gia đình, mong muốn các gia đình sớm vượt qua khó khăn, ổn định lại cuộc sống.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương phải khẩn trương thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chú ý đảm bảo nghiêm ngặt công tác tiêu hủy, không để ảnh hưởng đến môi trường. Đồng chí đề nghị các địa phương cần lưu ý, nhắc nhở các hộ dân chú ý các nguồn yếu tố lây lan nguồn bệnh dịch, trong đó tuyệt đối không đưa thức ăn chăn nuôi tại các trang trại bị bệnh dịch tái trở lại thị trường hoặc sang các khu trang trại khác, không sử dụng nguồn nước ao hồ, sông ngòi, nguồn nước có nguy cơ lây bệnh cho vật nuôi...
Lợn mắc dịch được các địa phương khẩn trương đưa đi tiêu hủy.
Đồng chí yêu cầu các địa phương cần chỉ đạo sát sao và thực hiện xử phạt nghiêm hộ gia đình nào tiêu hủy vật nuôi không đúng quy định, vứt bừa bãi ra môi trường sống; có chính sách thưởng nóng cho người phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi vất bừa bãi lợn dịch ra môi trường sống; thành lập các tổ xung kích thường xuyên tuần tra tại các khu vực trên địa bàn các thôn, xóm; tăng cường vai trò của công an chính quy, quân đội tham gia phòng chống dịch tại các xã; giao trách nhiệm cho các đồng chí Bí thư, trưởng các thôn, xóm trong việc kiểm tra, giám sát, phòng chống dịch bệnh; thực hiện lâu dài các biện pháp 4 tại chỗ trong phòng chống dịch.
Đồng thời, sớm hoàn thiện các thủ tục để hỗ trợ kinh phí theo đúng quy định được nhanh nhất, giúp người dân ổn định tâm lý, phát triển kinh tế, sớm ổn định lại cuộc sống. Đồng chí cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẩn trương khảo sát, lập danh sách các cơ sở cung cấp thức ăn chăn nuôi bảo đảm sạch để khuyến cáo, giới thiệu tới các hộ chăn nuôi mua sử dụng chăm sóc đàn lợn. Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu các chính sách để có thể có những hỗ trợ khác cho người dân, giúp người dân bớt đi những thiệt hại.
Tin, ảnh: Đức Lam