Thưa các vị đại biểu, thưa các đồng chí !
Ninh Bình là tỉnh nằm ở cực nam đồng bằng sông Hồng, có diện tích tự nhiên gần 1400 km2, dân số trên 90 vạn người. Tỉnh Ninh Bình có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 6 huyện; có 146 xã, phường, thị trấn. Ninh Bình có hệ thống giao thông đa dạng, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, cùng với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, tạo thế mạnh về phát triển dịch vụ du lịch và công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Đảng bộ tỉnh Ninh Bình hiện có 13 đảng bộ trực thuộc, 720 tổ chức cơ sở Đảng với hơn 60.000 đảng viên.
Năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập sau 16 năm hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong chặng đường hơn 20 năm đổi mới và phát triển, từ khi tái lập tỉnh Ninh Bình đến nay, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Ninh Bình đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phấn đấu giành được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2005, Ninh Bình đã thoát khỏi vị trí tỉnh nghèo nhất trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ và bước vào thời kỳ phát triển mới. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch tích cực, từ nền kinh tế với nông nghiệp là chủ yếu sang nền kinh tế có cơ cấu công nghiệp - dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn. Từ năm 1992 đến nay, tỷ trọng nông nghiệp đã giảm từ 62% xuống còn 15,2%; Công nghiệp, xây dựng tăng từ 18,9% lên 46,4%; Dịch vụ tăng từ 20,1% lên 38,4%. Giá trị GDP sau 20 năm lớn gấp 8,9 lần, thu ngân sách gấp 84,8 lần so với năm đầu tái lập tỉnh (năm 1992).
Sản xuất công nghiệp ngày càng được tổ chức tập trung trong các khu, cụm công nghiệp như Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp, với nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường như ô tô, xi măng, thép, đạm, kính xây dựng,…Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất kinh doanh nhưng năm 2012 sản xuất công nghiệp ở Ninh Bình vẫn duy trì đà tăng trưởng khá, tăng hơn 11 % so với năm 2011; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 14 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 12 % so với năm 2011. 5 tháng đầu năm 2013, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt 9882 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 450 triệu USD, 5 tháng đầu năm 2015 đạt gần 220 triệu USD. Với những tiềm năng, lợi thế về kinh tế - xã hội và môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục quan tâm tìm hiểu cơ hội và quyết định đầu tư tại Ninh Bình. Trong năm 2012 đã có trên 400 doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký trên 6.500 tỷ đồng; 20 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 9.500 tỷ đồng, (trong đó có 4 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3.740 tỷ đồng).
Du lịch Ninh Bình đang phát triển nhanh, tiến tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh do được tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tốt các giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô Hoa Lư, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Hồ sơ Quần thể danh thắng Tràng An đang được đệ trình lên UNESCO xem xét công nhận là Di sản thế giới với 3 tiêu chí có tính nổi bật toàn cầu. Đây là một thí dụ nổi bật về truyền thống cư trú của loài người, truyền thống sử dụng đất, sử dụng biển, một địa điểm nổi bật trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới về cách con người tương tác với cảnh quan thiên nhiên và thích ứng với những thay đổi quan trọng về môi trường kéo dài hơn 30.000 năm. Tràng An chứa đựng những hiện tượng thiên nhiên bậc nhất, hàm chứa vẻ đẹp thiên nhiên và tầm quan trọng thẩm mỹ nổi bật với cảnh quan tháp đá vôi dạng nón kết hợp khéo léo với hệ thống hang động ngầm và rừng nhiệt đới nguyên sinh, là một trong những khu vực đẹp và ngoạn mục nhất thuộc loại này trên thế giới; Tràng An cũng là thí dụ nổi bật đại diện cho các giai đoạn lịch sử chính của tiến trình phát triển sự sống và những quá trình địa chất quan trọng của Trái Đất. Cùng với nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn khác như: Cúc Phương, Vân Long, Kênh Gà - Vân Trình, Nhà thờ đá Phát Diệm, Quần thể danh thắng Tràng An đang là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế. Năm 2012, Ninh Bình đã đón 3,75 triệu lượt khách đến tham quan, 5 tháng đầu năm 2013, đã đón hơn 3,4 triệu lượt khách.
Lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản được phát huy theo thế mạnh của từng phân vùng kinh tế với quy mô ngày thích hợp theo hướng sản xuất lớn. Toàn tỉnh duy trì ổn định diện tích trồng lúa hơn 40 nghìn ha, sản lượng lúa năm 2012 đạt 49 vạn tấn. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục duy trì ổn định về tổng đàn và nâng cao giá trị vật nuôi. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt gần 10 nghìn ha, sản lượng nuôi trồng thủy hải sản đạt trên 32 nghìn tấn.
Đời sống của nhân dân Ninh Bình đã được cải thiện một bước quan trọng, an sinh xã hội, công bằng xã hội được đảm bảo; y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin phát triển. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt trên 1.450 USD, vươn lên thành tỉnh có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 5/11 tỉnh, thành phố của vùng Đồng bằng sông Hồng; tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2012 giảm còn 7,5%. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường, tạo môi trường lành mạnh để đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân. Công tác đối ngoại không ngừng được mở rộng. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh.
Trong những năm tới, Ninh Bình sẽ phấn đấu thành tỉnh phát triển khá của khu vực Đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt là tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực để nhanh chóng làm thay đổi diện mạo của quê hương và đời sống của nhân dân ngày càng khá giả hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của đất nước.
Thưa các đồng chí!
Thực hiện Chỉ thị số 17- CT/TW ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X "Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới" và các văn bản hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện nay Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đang tổ chức đội ngũ báo cáo viên ở cả 3 cấp với 1.312 đồng chí; trong đó có 05 báo cáo viên cấp Trung ương; 49 báo cáo viên cấp tỉnh; 438 báo cáo viên cấp huyện, 819 báo cáo viên cấp xã. Cơ cấu đội ngũ báo cáo viên các cấp phong phú, đa dạng, bên cạnh các báo cáo viên là các đồng chí cấp ủy viên, cán bộ tuyên giáo, còn có các báo cáo viên được tuyển chọn từ các ngành, đoàn thể…
Các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở đều nhận thức sâu sắc và chỉ đạo chặt chẽ công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên. Việc tổ chức, xây dựng đội ngũ báo cáo viên được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng, theo yêu cầu của nhiệm vụ tuyên truyền miệng và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đơn vị. Hằng năm, đội ngũ báo cáo viên các cấp trong tỉnh đều được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, kỹ năng tuyên truyền miệng.
Công tác tổ chức phổ biến, tuyên truyền các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước từng bước được đổi mới và nâng cao hiệu quả. Việc tổ thông tin tình hình thời sự trong nước, quốc tế, nhiệm vụ chính trị của địa phương được thực hiện hàng tháng từ cấp tỉnh đến cấp xã bảo đảm kịp thời, chính xác, đáp ứng nhu cầu thông tin và tính định hướng của Đảng, Nhà nước.
Nhiều năm qua, đội ngũ báo cáo viên các cấp của Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, bám sát các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của đất nước, thực sự là lực lượng nòng cốt trong lĩnh vực công tác tư tưởng của Đảng bộ. Chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn; góp phần tạo sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo các mục tiêu đã đề ra.
Kính thưa các đồng chí đại biểu!
Hội nghị báo cáo viên trung ương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, các cơ quan, đảng ủy trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc lần này được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình là dịp để đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền miệng của Ninh Bình được trao đổi, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về công tác tuyên truyền miệng của các tỉnh, thành ủy khu vực phía Bắc, các cơ quan, đảng ủy trực thuộc Trung ương và tiếp thu, cập nhật thông tin mới về tình hình thời sự trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, đây là dịp để các đại biểu tới thăm hiểu thêm về vùng đất "Ninh Bình - non nước hữu tình", về con người Ninh Bình cần cù, mến khách. Chúng tôi mong muốn nhận được tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ và hợp tác của các đồng chí. Đề nghị các đồng chí cùng với chúng tôi đưa hình ảnh về tiềm năng thế mạnh kinh tế - xã hội của Ninh Bình đến đông đảo nhân dân cả nước, góp phần xây dựng Ninh Bình trở thành điểm hẹn văn hóa, điểm đến hấp dẫn của du khách và điểm gặp gỡ để hiện thực hóa những cơ hội hợp tác, đầu tư kinh doanh và phát triển bền vững.
Chúng tôi tin tưởng rằng, Hội nghị sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp./.