Trạm cấp nước Yên Phong 1 và Yên Phong 2 của xã Yên Phong (huyện Yên Mô) là hai trong những công trình hoạt động kém hiệu quả, đang phải dừng hoạt động làm cho hàng nghìn hộ dân nơi đây thiếu nước sạch sinh hoạt. Bà Lê Thị Minh cho biết: Trước đây khi trạm cấp nước tập trung của xã được xây dựng, bà con rất phấn khởi vì từ lâu họ mơ ước có được nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt. Gia đình tôi cũng như người dân đã đồng tình ủng hộ chủ trương, sớm đầu tư lắp đặt đường ống, đồng hồ, xây bể chứa để đưa nước về nhà. Tuy nhiên, khi trạm cấp nước đi vào hoạt động hiệu quả rất thấp, chất lượng nước không đảm bảo, nhiều khi nước chảy về bể chứa của gia đình có màu vàng đục, để lâu bùn đất lắng xuống cả cm. Chất lượng nước kém nhưng cũng chỉ được thời gian từ 5-6 năm đầu có nước, còn về sau nước bơm nhỏ giọt và dần dần mấy năm gần đây mất hẳn. Hiện nay trạm cấp nước đã ngừng hoạt động và người dân rất bức xúc vì bỏ tiền ra đầu tư nhưng không được sử dụng, nhiều hộ phải khoan giếng mới đủ nước phục vụ sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên chất lượng nước giếng khoan không đảm bảo, nước vẫn có mùi tanh và nhiễm phèn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trạm cấp nước sạch Yên Phong 1 xây dựng từ năm 2000 và đi vào hoạt động năm 2002. Trạm có tổng kinh phí đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng và công suất thiết kế 300 m3/ngày đêm, năng lực phục vụ 4.700 người. Trạm cấp nước sạch Yên Phong 2 xây dựng năm 2003, hoàn thành năm 2005, có công suất thiết kế 300 m3/ngày đêm với tổng vốn đầu tư trên 1,6 tỷ đồng (bao gồm cả ngân sách nhà nước và vốn nhân dân đóng góp). Cả hai trạm cấp nước trên sau khi hoàn thiện đều được giao cho UBND xã Yên Phong quản lý, vận hành, khai thác. Theo thiết kế thì cả 2 trạm có khả năng cung cấp nước sạch cho hàng nghìn hộ dân trong xã, thế nhưng hơn một năm nay hai công trình này đã ngưng hoạt động hoàn toàn. Nguyên nhân chủ yếu là do thời gian qua nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, đường liên xã trên địa bàn được đầu tư xây dựng làm ảnh hưởng đến hệ thống dẫn nước. Các chủ đầu tư xây dựng đường giao thông và đơn vị quản lý trạm cấp nước chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ, dẫn đến nhiều đường ống dẫn nước bị hư hỏng, bị ách tắc không truyền tải nước đến được với hộ dân sử dụng. Cùng với đó, do quá trình vận hành, không có kinh phí duy tu sửa chữa nên nhiều thiết bị bị hư hỏng ngày càng nặng. Hiện nay hầu như đường ống dẫn nước đều bị hư hỏng và không sử dụng được.
Trạm cấp nước tập trung tại xã Khánh Thịnh (Yên Mô) tuy vẫn hoạt động nhưng một số thiết bị đã bị hư hỏng, xuống cấp làm giảm hiệu quả đầu tư. Trạm cấp nước đi vào hoạt động từ năm 2006, có công suất thiết kế 600 m3/ngày đêm, kinh phí đầu tư 5 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, trạm cấp nước được giao cho HTX Điện nước quản lý, vận hành, khai thác và tự hạch toán. Ông Dương Đức Vinh, Trạm trưởng cho biết: Hiện nay trạm cấp nước tập trung xã Khánh Thịnh hoạt động rất khó khăn do giá bán nước thấp, giá điện tăng, chi phí thường xuyên cao nên hầu như thu chỉ đủ bù chi cho những hoạt động thường xuyên, không có kinh phí tích lũy để tiến hành tu bổ, sửa chữa. Hệ thống xuống cấp nhanh, nhiều hạng mục công trình bị hư hỏng, bào mòn, thiếu nhiều thiết bị như: máy bơm có 5 máy thì hỏng 2; máy bơm định lượng hóa chất không hoạt động; nhiều đường ống, đầu đấu nối bị hỏng, rò rỉ nước dẫn đến tỷ lệ thất thoát nước cao từ 30-35%, có thời điểm lên đến 50%. Hoạt động hiệu quả thấp nên thu nhập của công nhân cũng chỉ đạt từ 800 đến 1 triệu đồng/người/tháng.
Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều công trình cấp nước tập trung nông thôn tại tỉnh ta đang bị ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Theo báo cáo của Ban điều hành chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, hiện nay toàn tỉnh đã xây dựng được 105 công trình cấp nước tập trung và có 7 công trình đang xây dựng dở dang, 6 công trình chuẩn bị đầu tư và hàng nghìn công trình cấp nước nhỏ lẻ (giếng khơi, giếng khoan Unicef, bể nước mưa…). Tuy nhiên công tác quản lý, vận hành, cấp nước từ các công trình cấp nước tập trung tại tỉnh ta còn nhiều hạn chế, số lượng công trình khá nhiều nhưng hiệu quả hoạt động thấp. Trong số 105 công trình được đầu tư xây dựng có 82 công trình đang hoạt động, 20 công trình dừng hoạt động (4 công trình dừng để nối mạng; 16 công trình hư hỏng), 3 công trình chuẩn bị khánh thành. Còn theo kết quả cập nhật Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Bình năm 2014, tỷ lệ các công trình cấp nước tập trung hoạt động bền vững chỉ chiếm 18,1%, trung bình 48,57%, kém hiệu quả 11,43% và tỷ lệ công trình không hoạt động chiếm tới 21,9%.
Hiện nay có 5 mô hình quản lý các trạm cấp nước tập trung nông thôn có xã do UBND xã quản lý, có nơi do doanh nghiệp, HTX, tư nhân quản lý. Cũng có nơi do Trung tâm nước sạch và VSMT nông thôn quản lý. Trong đó, trình độ chuyên môn của đội ngũ quản lý và công nhân vận hành tại các trạm cấp nước phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu do chưa qua đào tạo; chế độ lương, phụ cấp cho công nhân còn thấp, chưa ổn định, có trạm không có lương mà chỉ có phụ cấp cho công nhân hàng tháng. Công tác tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn còn nhiều hạn chế, do vậy một bộ phận người sử dụng nước chưa ý thức được tầm quan trọng của nước sạch, còn lãng phí nước, ăn cắp nước, thậm chí làm hỏng công trình cấp nước. Công tác duy tu, bảo dưỡng định kỳ chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến công trình xuống cấp nhanh chóng; tỷ lệ thất thoát nước cao, có trạm lên đến 50%, cá biệt lên đến 70%. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng nước tại các công trình cấp nước chưa được thực hiện đúng quy định; chất lượng nước nhiều nơi chưa đảm bảo, hóa chất dùng để xử lý nước không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Giá nước sinh hoạt chưa tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý của toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ nước sạch.
Đẩy mạnh xã hội hóa nước sạch nông thôn
của người dân ngày một tăng cao thì việc xã hội hóa đầu tư, quản lý, khai thác và sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung là điều cần thiết và cấp bách.
Với chính sách của tỉnh, khi các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa lĩnh vực kinh doanh nước sạch nông thôn đều được hưởng ưu đãi về đất đai, thuế, ưu đãi trong huy động vốn, được hỗ trợ vốn theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước nông thôn; hỗ trợ bù giá nước sạch nông thôn nếu phương án giá bán nước sạch do UBND tỉnh phê duyệt thấp hơn phương án giá bán nước sạch được tính đúng, tính đủ theo quy định hiện hành thì hàng năm UBND tỉnh sẽ xem xét cấp bù từ ngân sách để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước. Đi cùng với những quyền lợi thì các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa hoạt động cấp nước sinh hoạt nông thôn sau khi được giao quản lý công trình phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ do Nhà nước quy định về chất lượng nước, giá tiêu thụ nước khu vực nông thôn, thuế, sử dụng lao động địa phương.
Thực hiện Quyết định số 1085/QĐ-UBND của UBND tỉnh, các đơn vị liên quan đang tiến hành tiếp nhận việc quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung do tỉnh giao cho. Tuy nhiên, đến nay công tác xã hội hóa các công trình cấp nước nông thôn còn lại gặp nhiều khó khăn, hiện mới có Công ty TNHH MTV kinh doanh nước sạch Ninh Bình tiếp nhận, quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung xã Phú Lộc (Nho Quan). Theo ông Trần Minh Giang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Ninh Bình: Khó khăn lớn nhất khi các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa nước sạch nông thôn là giá nước theo quy định thấp; nhiều xã có khu dân cư nhỏ lẻ, xa nên chi phí đầu tư đường ống đấu nối lớn; người dân nhiều nơi chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của nước sạch nên tỷ lệ dân sử dụng còn thấp, dẫn đến thu không đủ bù chi.
Cũng theo ông Tống Xuân Toán, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, cùng với những thuận lợi về các chủ trương, chính sách ưu đãi dành cho các tổ chức, các doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp công lập tham gia đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành lĩnh vực nước sạch nông thôn thì công tác xã hội hóa đang gặp khó khăn do thiếu nguồn lực. Thực trạng công tác quản lý cấp nước nông thôn ở tỉnh ta có nhiều hạn chế, tỷ lệ thất thoát cao nên chưa động viên, khơi dậy được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xã hội hóa. Bên cạnh đó, tỉnh ta và các địa phương lân cận chưa có mô hình để tổ chức tham quan học tập và rút kinh nghiệm.
Để đẩy mạnh xã hội hóa chương trình nước sạch nông thôn, trước tiên các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định 1085 của UBND tỉnh. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để các tổ chức, doanh nghiệp hiểu về chính sách ưu đãi và tích cực tham gia đầu tư giảm bớt gánh nặng về nguồn vốn đối với Nhà nước và địa phương. Thành lập một hội đồng định giá giá trị thực tế còn lại của các công trình cấp nước sạch nông thôn phục vụ cho công tác bàn giao và công tác xã hội hóa. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực để công tác quản lý sau đầu tư có hiệu quả hơn. Về phía các doanh nghiệp, nhà đầu tư, ông Trần Minh Giang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Ninh Bình cho rằng cùng với công tác cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng đường ống dẫn nước và các trang thiết bị, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển lâu dài và bền vững khi tham gia xã hội hóa chương trình nước sạch nông thôn.
Thiết nghĩ, trong thời gian tới các tổ chức, các sở, ban, ngành liên quan, các doanh nghiệp cần có giải pháp triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình nước sạch nông thôn, đặc biệt là xã hội hóa các công trình đang thi công dở dang những nguồn vốn ngân sách Nhà nước chưa bố trí đủ. Đồng thời, tỉnh tiếp tục có những chính sách ưu đãi, tháo gỡ khó khăn khi các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ công trình nước sạch và vai trò của nước sạch trong cuộc sống. Qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động các công trình cấp nước tập trung và nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn dùng nước sạch, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn để các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa chương trình này n
Bài, ảnh: Hồng Giang