Đồng bào Mường ở Nho Quan chung tay gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc
Thứ Tư, 28/05/2025, 21:04
Zalo
Đồng bào dân tộc Mường ở Nho Quan có một kho tàng văn hóa phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc. Những năm qua, các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo điểm nhấn riêng có cho quê hương.
Phục dựng Lễ hội cơm mới ở xã Thạch Bình (Nho Quan). Ảnh: Minh Quang
Xã Cúc Phương hiện có trên 80% đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Cùng với nỗ lực của tỉnh, của huyện, xã cũng có nhiều nỗ lực nhằm gìn giữ nét đặc sắc trong văn hóa của dân tộc Mường. Trong đó, có việc thành lập CLB văn hóa, văn nghệ dân tộc của Hội phụ nữ xã.
Khi tham gia sinh hoạt các CLB, hội viên tích cực giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động, tìm hiểu bản sắc văn hóa các vùng, miền từ các CLB trong và ngoài tỉnh; sưu tầm, biên tập lưu giữ các làn điệu dân vũ, hát giao duyên, sắc bùa; tham gia hướng dẫn, truyền dạy cho thế hệ trẻ về giá trị truyền thống của quê hương.
Không chỉ thu hút các thành viên tham gia, những người phụ nữ chính là những nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền, lan tỏa tình yêu, trách nhiệm và ý thức giữ gìn văn hóa tới cộng đồng, cùng chung tay lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Chị Đinh Thị Tuyết, ở thôn Bãi Cả là người rất say mê và có ý thức gìn giữ những câu hát giao duyên tiếng Mường. Chị Tuyết bảo, từ lâu, những người yêu văn hóa, văn nghệ truyền thống ở các thôn đã thành lập các đội, tổ, nhóm văn nghệ. Vừa là để tham gia biểu diễn, làm phong phú đời sống tinh thần cho bản thân, cộng đồng và quan trọng nữa là chung sức truyền dạy cho lớp trẻ những giá trị văn hóa truyền thống, những trò chơi dân gian đặc sắc của dân tộc mình.
Cũng theo lời chị Tuyết, tình yêu và sự say mê với văn hóa dân tộc mình không phải tự nhiên mà có, cũng không bỗng nhiên mà mất đi. Nó như một mạch nguồn, âm thầm chảy trong đời sống cộng đồng nếu thực sự kiên trì khơi dậy. Việc của người lớn là định hướng, truyền dạy để con cháu mình không xa lạ với văn hóa truyền thống. Hàng tuần, trong các buổi sinh hoạt vào đội văn nghệ của thôn, chị Tuyết say sưa hát và tích cực truyền dạy.
Đạt tiêu chí Nông thôn mới nâng cao từ năm 2024, xã Quảng Lạc mang dáng dấp của một vùng quê khang trang, hiện đại. Dẫu vậy, Quảng Lạc vẫn giữ được các nét văn hóa đặc sắc của một xã có trên 70% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Thực hiện nếp sống văn hóa mới, người Mường ở Quảng Lạc càng thêm ý thức nâng niu, gìn giữ những nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Các thôn, bản của Quảng Lạc lựa chọn và đưa nội dung bảo tồn nghệ thuật cồng chiêng vào trong hương ước của thôn để mọi người dân cùng có trách nhiệm gìn giữ. Những người cao tuổi, những người yêu văn hóa cồng chiêng đã nỗ lực truyền thụ, lan tỏa tình yêu cồng chiêng cho cộng đồng, cho thế hệ trẻ một cách bình dị, mộc mạc.
Ngoài ra, các thành viên của đội chiêng còn được mời đi giao lưu, biểu diễn ở nhiều nơi và ở nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh. Đây cũng chính là dịp để các thành viên giới thiệu được cái hay, cái đặc sắc của văn hóa cồng chiêng của đồng bào Mường.
Ở Nho Quan,cộng đồng dân tộc thiểu số vốn sở hữu nhiều giá trị văn hóa rất đặc sắc. Xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, các địa phương đã ưu tiên nguồn lực để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
Nhiều địa phương đã triển khai các hoạt động bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị theo quy định pháp luật về di sản văn hóa; tổ chức các loại hình văn hóa truyền thống như Lễ hội, duy trì, phát triển, nhân rộng các loại hình văn hóa dân gian trong sinh hoạt cộng cồng tại nhà văn hóa thôn, bản…
Ông Đinh Văn Chung là người đầu tiên ở xã Cúc Phương khôi phục lại nghề nấu rượu cần. Ảnh: Minh Quang
Hiện nay, huyện Nho Quan có 110 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu thuộc 7 loại hình: Tiếng nói và chữ viết của dân tộc Mường, ngữ văn dân gian, tập quán xã hội tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian.
Trong đó, 12 di sản ưu tiên bảo vệ, 4 di sản ưu tiên bảo vệ khẩn cấp, di sản Mo Mường đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Huyện Nho Quan đã phục dựng thành công 2 Lễ hội truyền thống, đó là Lễ hội Khai hạ và Lễ hội Cơm mới.
Huyện cũng đã phối hợp nghiên cứu, phục hồi và bảo tồn văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường có nguy cơ mai một như: Nghi lễ Mo Mường, đám cưới Mường; xây dựng 2 mô hình văn hóa truyền thống dân tộc Mường; xuất bản cuốn sách ảnh song ngữ giới thiệu về “Bản sắc văn hóa truyền thống người Mường huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình”nhằm tuyên truyền quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường...
Ngoài ra, công tác bảo tồn, khôi phục, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương cũng đạt được nhiều kết quả như: “Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Chèo”; hát Chầu văn tại Phủ đồi Ngang; đưa các trò chơi dân gian và các loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian vào các trường học trong giờ sinh hoạt ngoại khóa. Công tác bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội của đồng bào dân tộc Mường được triển khai trong hoạt động đời sống văn hóa cơ sở.
Hiện nay, đồng bào Mường đã đưa tiếng cồng, chiêng trở lại trong các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng; có trên 80% người dân tộc Mường sử dụng trang phục truyền thống của người Mường khi tham gia các hoạt động cộng đồng.
Trên địa bàn huyện có 12 Nghệ nhân (được cộng đồng tôn vinh) còn lưu giữ một số loại hình nghệ thuật như: Rằng thường chảy mợi, Hát mo Mường, Hát bọ mẹng, Hát Mường cổ, Hát đúm, Hát giao duyên.
Các nghi lễ truyền thống như Lễ hội Khai hạ, Lễ mừng cơm mới, Lễ hội Đình làng… vẫn được duy trì và tổ chức định kỳ. Có 7 CLB văn hóa, văn nghệ, thể thao dân tộc Mường được thành lập tại 7 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hoạt động hiệu quả…