Ông Phạm Văn Thủy, Chánh trương Giáo xứ Ninh Bình cho biết: Giáo xứ Ninh Bình có 2 linh mục, Ban Chấp hành giáo xứ có 4 vị, có 5 giáo họ với 650 hộ gia đình giáo dân và gần 2.500 nhân danh. Trong những năm qua, Ban Chấp hành giáo xứ đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các cấp của thành phố tuyên truyền, vận động giáo dân thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách về tôn giáo; tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động, tiêu biểu là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo". Phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo phát triển sâu rộng, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, giúp nhau giảm nghèo, đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, nhân đạo được xã hội ghi nhận, từ đó góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, giáo dân thành phố với bản chất cần cù, chịu khó đã đoàn kết hăng hái thi đua lao động sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, áp dụng tiến bộ KHKT, mở mang ngành nghề dịch vụ. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH với số tiền lên tới hàng tỷ đồng, bà con đầu tư mở mang ngành nghề sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, buôn bán vừa và nhỏ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, đời sống của giáo dân trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định, nhiều mặt được nâng cao, tỷ lệ hộ khá, giàu tăng nhanh. Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Chín, Giáo họ Trị Sở (phường Bích Đào) từ một cửa hàng bán lẻ kinh doanh các thiết bị vật tư ngành điện, nước với hơn 30 công nhân sau nhiều năm đã phát triển thành Công ty Đại Phát với trên 100 công nhân; gia đình ông Điền Văn Quang, Giáo họ Yên Phúc (xã Ninh Phúc) từ một hộ làm nông nghiệp đã mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề sang kinh doanh vận tải…
Cùng với phát triển kinh tế, các xứ, họ đạo luôn quan tâm tuyên truyền, vận động bà con giáo dân thực hiện tốt Quy chế quản lý đô thị của thành phố; thực hiện các tiêu chí về xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa; chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường, các hoạt động vệ sinh môi trường "Ngày thứ bảy sạch", "Vườn sạch, nhà đẹp", không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; giữ gìn an ninh trật tự… Chính vì vậy, 100% gia đình Công giáo đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", các khu dân cư có bà con giáo dân sinh sống được thành phố công nhận danh hiệu "Khu dân cư văn hóa". Bên cạnh đó, đồng bào Công giáo thành phố cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Tỷ lệ người Công giáo tham gia công tác tại các cơ quan chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội ngày càng tăng, có 12 vị là ủy viên ủy ban MTTQ các cấp thành phố; 2 vị là Trưởng ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, nhiều chị em phụ nữ các giáo họ tham gia các tổ chức xã hội ở khu dân cư.
Phát huy truyền thống "Tương thân, tương ái", "Lá lành đùm lá rách" của dân tộc, đồng bào Công giáo trên địa bàn thành phố Ninh Bình luôn hưởng ứng và chủ động thực hiện các hoạt động từ thiện, nhân đạo thông qua các cuộc vận động như: "Vì người nghèo", xây dựng Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa và An sinh xã hội", "Quỹ khuyến học"… do MTTQ và các cấp, các ngành phát động. 5 năm qua, Ban Chấp hành Giáo xứ đã vận động bà con giáo dân và doanh nghiệp (là người Công giáo) hỗ trợ 30 xe lăn cho người tàn tật; ủng hộ 3 tấn gạo, 200 thùng mỳ tôm và các vật dụng sinh hoạt cho đồng bào miền Trung; tổ chức thăm, tặng quà, nấu cơm miễn phí cho bệnh nhân, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ xây nhà tình nghĩa… trị giá hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, các giáo họ trong Giáo xứ còn đi thăm, tặng quà nhân dịp các ngày lễ trọng. Trong Giáo xứ và các giáo họ cũng đã thực hiện tốt việc xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài để kịp thời động viên, khen thưởng các cháu học sinh học giỏi, khích lệ phong trào học tập, do đó số con em đồng bào Công giáo thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học hàng năm ngày càng tăng.
Từ các phong trào thi đua yêu nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Công giáo thành phố Ninh Bình không ngừng được cải thiện; cơ sở vật chất các xứ, họ đạo ngày càng khang trang…, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Thùy Phương