Trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, đồng bào Công giáo Ninh Bình đã động viên nhau khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đẩy mạnh sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Tiêu biểu như: bà con giáo dân tại giáo xứ Tam Châu, xứ Phúc Nhạc, xứ Nam Biên, xứ Hiếu Thuận, xứ Yên Vân (Yên Khánh) đã tích cực tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện gieo vãi, gieo sạ theo phương pháp mới, nhờ đó đã giảm chi phí, giảm ngày công lao động, góp phần tăng năng suất, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Bà con giáo dân huyện Nho Quan đã lựa chọn các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với từng vùng miền như: giáo dân giáo xứ Sào Lâm đã mạnh dạn đưa cây ớt, cây bí đỏ xuất khẩu vào trồng cho thu nhập từ 50-60 triệu đồng/ha/vụ; gia đình ông Nguyễn Văn Khôi, ông Nguyễn Quang Nguyện đã tận dụng diện tích thả cá vụ cho thu nhập cao từ 300 triệu đồng/năm; giáo xứ Mỹ Châu phát triển ngành sản xuất đá mỹ nghệ, tạo việc làm cho nhiều lao động của địa phương với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng...
Trong lĩnh vực kinh doanh, phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, bà con giáo dân đã năng động, chủ động, tích cực tìm thị trường để phát triển ngành nghề phụ, ngành nghề truyền thống. Tiêu biểu như gia đình bà Nguyễn Thị Chín ở giáo xứ Ninh Bình, từ một cửa hàng bán lẻ kinh doanh các thiết bị vật tư điện nước với hơn 30 công nhân, nay đã thành lập Công ty Đại Phát với trên 100 công nhân, mức thu nhập ổn định từ 4-10 triệu đồng/tháng.
Đi đôi với phát triển kinh tế, các xứ, họ đạo trên địa bàn tỉnh đã tích cực vươn lên trong phong trào xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng khu dân cư không có tệ nạn xã hội. 100% các xứ, họ đạo, bà con Công giáo trên địa bàn tham gia đăng ký thi đua xây dựng "Làng Văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa" "Gia đình Văn hóa" gắn với ký giao ước thi đua xây dựng "Xứ, họ đạo tiên tiến". Các vị linh mục, ban đại diện giáo dân và những người có uy tín trong bà con giáo dân đã phối hợp với chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, các ngành liên quan giải quyết những xung đột, bức xúc ở địa bàn các khu dân cư; kịp thời khuyên răn, giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi, giúp họ hoàn lương, hòa nhập cộng đồng.
Hưởng ứng phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh", đồng bào Công giáo Ninh Bình đã tích cực cùng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đóng góp công, tiền của, đất đai để mở rộng đường giao thông nông thôn, tạo thuận lợi mở rộng bờ vùng, bờ thửa, kiên cố hóa kênh mương…, góp phần quan trọng hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh. Tiêu biểu như: Bà con các giáo xứ Áng Sơn, La Vân, Hoàng Mai, Thiện Dưỡng ở huyện Hòa Lư đã hiến đất để mở rộng đường nội đồng, đường làng ngõ xóm, đóng góp hàng nghìn ngày công và hàng tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa thôn và cải tạo đường giao thông, đóng góp kinh phí thắp sáng đường quê....
Sống đẹp đạo với tinh thần bác ái, yêu thương, các hoạt động nhân đạo từ thiện luôn được đồng bào Công giáo trong tỉnh phát huy. Các giáo xứ, họ đạo đã tích cực hưởng ứng xây dựng Quỹ bác ái để khuyến khích mọi người quan tâm đến trẻ mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa, gia đình khó khăn, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ...
Bằng nhiều hình thức khác nhau, các vị linh mục, các cơ sở dòng tu và bà con giáo dân có nhiều việc làm nhân ái sẻ chia, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Tiêu biểu như các giáo xứ Dưỡng Điềm, Hòa Lạc, Văn Hải, Hóa Lộc, Quảng Nạp, Quảng Phúc, Hảo Nho, Hoàng Mai, xứ Ninh Bình..., vào các ngày lễ Noel, Tết nguyên đán, các Linh mục trong Giáo phận tổ chức thăm và tặng quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa.
Ông Trần Đồng Ân - Giám đốc công ty TNHH XD Thương Mại & Dịch vụ Thảo Nguyên, giáo dân Giáo xứ Sơn Lũy, mỗi năm ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động từ thiện, bác ái, khuyến học, khuyến tài. Ngoài ra, các giáo xứ trên địa bàn tỉnh còn tích cực vận động, quyên góp giúp đỡ hộ nghèo sửa chữa, xây mới nhà ở.
Đặc biệt, phong trào hiến tặng giác mạc "Vì thế giới không mù lòa", giúp đỡ người mù nhìn thấy ánh sáng tiếp tục thu hút sự tham gia ủng hộ của đông đảo bà con giáo dân. Đến nay tổng số người đăng ký hiến tặng giác mạc là 10.925 người, số người đã hiến tặng giác mạc thành công là 360 người, đưa Ninh Bình là đơn vị dẫn đầu cả nước về hiến tặng giác mạc.
Thi đua "sống tốt đời, đẹp đạo", đồng bào Công giáo trong tỉnh đã và đang nỗ lực dựng xây cuộc sống mới, góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 67/79 giáo xứ, 281/361 giáo họ đạt danh hiệu xứ, họ đạo tiên tiến; 90% hộ gia đình Công giáo đạt "gia đình Công giáo gương mẫu", "gia đình văn hóa". Nhiều giáo xứ, giáo họ nơi có đông đồng bào Công giáo được công nhận "Làng Văn hóa" và giữ vững danh hiệu nhiều năm liền.
Mai Lan