Mô hình kinh tế tiêu biểu của ông Phạm Duy Thế, thôn Lưu Thanh, xã Chính Tâm hơn 5 năm qua đã góp phần làm giàu cho gia đình cũng như phát triển quê hương. Với cơ sở sản xuất rượu thủ công Gia Bảo, cung cấp cho thị trường mỗi năm 10 nghìn lít rượu đảm bảo chất lượng, cộng với kinh doanh xe chạy Bắc Nam, gia đình ông Thế thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm. Ông Phạm Duy Thế cho biết: Với mong muốn góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh, mỗi giáo dân như tôi luôn tìm hướng phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình. Vươn lên từ hoàn cảnh kinh tế khó khăn, 2 vợ chồng làm 5 mẫu ruộng để nuôi 6 người con. Trăn trở nhiều năm về cách làm giàu, gia đình tôi đã quyết tâm mở rộng cơ sở sản xuất nấu rượu gia truyền theo hướng hiện đại, tổ chức sản xuất quy mô lớn, chất lượng rượu đảm bảo an toàn theo quy định của cơ quan chuyên môn. Đến nay, thương hiệu rượu Gia Bảo đã có chỗ đứng vững trên thị trường, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Cả 6 con tôi đều được học đại học. Gia đình được chính quyền địa phương công nhận gia đình công giáo sản xuất, kinh doanh giỏi.
Đối với gia đình giáo dân Phạm Văn Kim, trưởng thôn Cách Tâm, xã Chính Tâm đã nhiều năm nay được công nhận gia đình Công giáo văn hóa cấp huyện. Là trưởng thôn, ông Kim luôn gương mẫu chấp hành các quy định nhà nước, của địa phương, chủ động trong phát triển kinh tế gia đình mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng từ kinh doanh cây dược liệu. Đồng thời trên cương vị trưởng thôn, ông Kim đã vận động nhân dân trong thôn góp sức người, góp của bê tông hóa đường giao thông thôn, đường trục xã góp phần xây dựng NTM ở địa phương.
Linh mục Nguyễn Hồng Phúc, Chính xứ Cách Tâm, xã Chính Tâm cho biết: Với vai trò là Linh mục, tôi luôn giảng cho các giáo dân cùng xây dựng mối đoàn kết lương-giáo. xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo. Xã Chính Tâm có 804 hộ/3.228 khẩu, tỷ lệ giáo dân chiếm 83,6%, người dân trong xã luôn đoàn kết và ý thức với xã hội rất tốt. Đồng bào ở đây sống vui vẻ, hạnh phúc, không có tai, tệ nạn xã hội. Hiện nay, 6/6 thôn được công nhận làng văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 89%.
Hiện nay, đồng bào công giáo chiếm trên 47% dân số toàn huyện Kim Sơn. Thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Sống tốt đời, đẹp đạo" do ủy ban Đoàn kết công giáo Việt Nam phát động gắn với phong trào xây dựng "Xứ họ đạo tiên tiến", xây dựng "Gia đình công giáo gương mẫu", đông đảo các chức sắc, chức việc và bà con giáo dân trong huyện Kim Sơn đã tích cực hưởng ứng, cụ thể hóa trong các hoạt động đời sống xã hội. Trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đồng bào công giáo đã tích cực hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước về dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cùng với thâm canh cây lúa, phát triển hoa màu, cây dược liệu, nuôi trồng thủy, hải sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại nhiều giáo xứ trong huyện, nhiều hộ công giáo đã mạnh dạn đầu tư vốn, tranh thủ các nguồn vốn vay nhà nước, giúp đỡ của cộng đồng, phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại vườn-ao-chuồng, thu nhập hàng năm từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Tiêu biểu như hộ ông Trương Quý, ở xóm 7B, ông Thái ở xóm 7C xã Cồn Thoi thuộc Giáo xứ Hợp Thành; ông Nghị, ông Hà ở Giáo xứ Kim Đông; ông Tuất, ông Toàn, ông Khang ở xứ Cồn Thoi... Bên cạnh đó, nhiều hộ giáo dân năng động trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ, nhiều hộ thành lập doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, đồng bào công giáo trong huyện đã đóng góp hàng tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động xây dựng kênh mương, nhà văn hóa thôn và các cơ sở hạ tầng khác đạt tiêu chí nông thôn mới. Nhiều địa phương có đông đồng bào công giáo đã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới như xã Lai Thành, Kim Đông, Thượng Kiệm, Như Hòa, Hùng Tiến...
Công tác chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, y tế cùng với các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, bác ái được đồng bào công giáo Kim Sơn quan tâm. Công tác khuyến học, khuyến tài được đồng bào công giáo tạo điều kiện cho con em học tập, khen thưởng khi các em đạt thành tích cao trong học tập, giúp trẻ em nghèo vượt khó trong học tập, nhiều gia đình giáo dân con cái học hành giỏi giang, thành đạt. Công tác hiến tặng giác mạc luôn là điểm nhấn trong hoạt động nhân đạo của đồng bào công giáo. Năm 2018, toàn huyện có 28 người hiến tặng giác mạc, nâng tổng số người hiến tặng giác mạc trong toàn huyện lên 289 người, tiêu biểu là Giáo xứ Cồn Thoi, Hợp Thành, Văn Hải, Tùng Thiện, Như Tân, Phát Diệm, Dục Đức.
Thực hiện phong trào thi đua xây dựng xứ họ đạo bình yên về an ninh trật tự và tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng bào công giáo luôn ý thức chung tay vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm, sạch nơi thờ tự, không vứt rác bừa bãi, nhiều nơi xung quanh nhà thờ đặt thùng rác, tổ chức khơi thông dòng chảy, thu gom rác phân loại để tiêu hủy nhằm bảo vệ môi trường. Cùng với đó, đồng bào Công giáo thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, thực hiện quy ước, hương ước làng văn hóa; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, phòng chống tai tệ nạn xã hội. Kết quả, hiện tượng trộm cắp, đánh nhau, cờ bạc, mại dâm, nghiện hút giảm rõ rệt ở các xứ, họ; nhiều xứ, họ được công nhận khu dân cư văn hóa.
Bài, ảnh: Hồng Vân