P.V: Công tác dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Ở Ninh Bình vấn đề này được thể hiện như thế nào?
Đ/c Phạm Hồng Quang: Tỉnh Ninh Bình có 22.467 người là dân tộc thiểu số, chiếm 2,1% dân số, sống hòa đồng với cộng đồng dân cư ở các huyện, thành phố, thị xã. Trong đó, dân tộc Mường có 21.748 người, sống vừa tập trung, vừa xen kẽ ở 82 thôn, bản, tại 8 xã của huyện Nho Quan và xã Yên Sơn, thị xã Tam Điệp.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, quán triệt tư tưởng chỉ đạo theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, BCH T.Ư Đảng khóa IX về công tác dân tộc và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 12-Ctr/TU và triển khai quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tỉnh ủy cũng đã ban hành các Nghị quyết về công tác giảm nghèo, đẩy mạnh sản xuất vụ đông, quan tâm đến phát triển dân trí, học tập của con em người dân tộc…
Đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ giống cây, con, hỗ trợ lãi suất, thủy lợi phí, cho vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào, quan tâm chăm sóc người có công, hỗ trợ xây dựng nhà ở, địa điểm sinh hoạt văn hóa, học tập cho thanh, thiếu niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn miền núi.
Tháng 9-2008 Tỉnh ủy đã tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa IX) và tiếp tục đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác dân tộc trong thời gian tới. Nhìn chung, công tác dân tộc của tỉnh trong thời gian qua đã thu được những kết quả đáng phấn khởi. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số có bước phát triển và được cải thiện nhiều mặt.
P.V: Đồng chí có thể nói rõ hơn về những kết quả nổi bật?
Đ/c Phạm Hồng Quang: Kết quả nổi bật trong công tác dân tộc của tỉnh những năm qua, nhất là từ khi tái lập tỉnh đến nay thể hiện rõ trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Cụ thể: Về xây dựng kết cấu hạ tầng, Chương trình 134, 135 của Chính phủ và các dự án đầu tư của tỉnh được triển khai tích cực và mang lại hiệu quả rõ rệt. Với nguồn vốn hơn 70 tỷ đồng, đã xây dựng được cụm công nghiệp, TTCN Phú Sơn; làng nghề ở xã Văn Phú, hỗ trợ xây dựng công trình cung cấp nước sinh hoạt phân tán cho 3.832 hộ, xây dựng 3 công trình nước sinh hoạt tập trung và nhiều công trình trường học, trạm y tế, đường giao thông…
Đến nay, 100% số xã có đường ô tô, điện thắp sáng, 100% số xã có trạm phát thanh, 81% số xã được phủ sóng truyền hình, 100% số xã có Trung tâm học tập cộng đồng, 70% số xã có trạm bưu điện và nhà văn hóa thôn bản, trên 67% số xã có công trình thủy lợi, công trình nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đặc biệt, thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng Chỉnh phủ, Đề án 02, 06 của Thường trực HĐND tỉnh về hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo đã đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho các đối tượng thụ hưởng là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.
Từ năm 2003 đến nay, toàn tỉnh đã xóa được 2.088 nhà dột nát, với số tiền gần 30 tỷ đồng, trong đó có 596 nhà của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Chính sách định canh, định cư được hoàn thành từ năm 2002, chương trình phân lũ, chậm lũ, trồng rừng được triển khai hiệu quả. Trong 2 năm gần đây, tỉnh đã đầu tư 6,7 tỷ đồng để trồng mới 645 ha rừng, trồng 900 ha cây phân tán, khoanh nuôi tái sinh hơn 21.000 ha rừng…
Ném còn - nét đẹp văn hóa Mường trong mỗi dịp lễ hội. Ảnh: Phạm Trường.
Công tác giáo dục và đào tạo được ưu tiên đầu tư, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số. 100% các xã có trường tiểu học, THCS với 70% số trường học, phòng học được xây dựng cao tầng, kiên cố. Chính sách thu hút giáo viên, trợ cấp tiền đi học, hỗ trợ học phí, cấp sách vở cho học sinh những xã đặc biệt khó khăn được thực hiện tốt. Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh năm học 2008 - 2009 đã tăng 50% chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10. Đến nay, phổ cập THCS đã hoàn thành ở 30/60 xã miền núi, 100% trẻ em đúng độ tuổi vào lớp 1. Mạng lưới y tế cộng đồng vùng dân tộc thiểu số được mở rộng đến tận thôn, bản. Toàn vùng có 5 cơ sở y tế tuyến huyện, 100% số xã có trạm y tế với 71% trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia, 49,7% trạm y tế có bác sỹ.
Về xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Công tác xây dựng Đảng được quan tâm chỉ đạo trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Công tác phát triển Đảng được quan tâm hơn, đến nay toàn tỉnh có 612 đảng viên là người dân tộc thiểu số, tăng 72 đảng viên so với năm 2005, chiếm 1,2% tổng số đảng viên, sinh hoạt ở 56 tổ chức cơ sở đảng. Bên cạnh đó, công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số được tỉnh quan tâm và có chuyển biến tích cực. Đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ thường xuyên được quan tâm. Từ năm 2005 đến nay, có 64 người được bồi dưỡng về lý luận chính trị, 19 người được đào tạo chuyên môn, cử tuyển 18 giáo viên, 60 học sinh được lựa chọn đi học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Vai trò của 112 già làng, trưởng thôn, bản được phát huy trong cộng đồng dân cư, thực sự là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vận động đồng bào hăng hái tham gia lao động sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng.
P.V: Trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước bằng những việc làm như thế nào?
Đ/c Phạm Hồng Quang: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số đã đoàn kết, nỗ lực, đổi mới cách nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước để phát triển các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới.
Trong sản xuất nông nghiệp, đồng bào các dân tộc thiểu số đã tiếp cận và mạnh dạn áp dụng KHKT vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: nuôi hươu, nhím ở Cúc Phương, nuôi bò sinh sản, ong, sắn cao sản ở Thạch Bình, Phú Long, Quảng Lạc… Đã có 80 trang trại của đồng bào các dân tộc thiểu số có giá trị thu nhập đạt 50 triệu đồng/năm.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và TTCN, đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực hưởng ứng chủ trương của tỉnh về phát triển các khu, cụm công nghiệp, đã khẩn trương thực hiện giải phóng mặt bằng, di dời nhà cửa, diện tích canh tác vì lợi ích chung của toàn xã hội. Do đó, tại địa bàn các xã có đồng bào dân tộc thiểu số đã hình thành nhiều doanh nghiệp, ngành nghề, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 28% (năm 2003) xuống còn 23% (năm 2008).
Đặc biệt, hưởng ứng cuộc phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã có sức lan tỏa rộng khắp các thôn, bản. Đến nay, 100% các thôn, bản xây dựng được quy ước, hương ước, 40% làng, bản đạt danh hiệu làng, bản văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện, 84,9% khu dân cư tiên tiến, 83% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.
P.V: Xin đồng chí cho biết về nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện công tác dân tộc trong thời gian tới?
Đ/c Phạm Hồng Quang: Tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết T.Ư 7 (khóa IX) và Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 12-5-2003 của Tỉnh ủy, nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc, thực hiện nhất quán quan điểm xây dựng cộng đồng dân tộc theo nguyên tắc "Đoàn kết, bình đẳng, tương trợ cùng phát triển".
Phấn đấu thực hiện mục tiêu: Đoàn kết các dân tộc thiểu số để phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 13%, 100% số hộ dân được dùng điện lưới Quốc gia, 90% số hộ được dùng nước sạch sinh hoạt, xóa được thôn, bản đặc biệt khó khăn, giải quyết tốt vấn đề đất ở, đất sản xuất, ngăn chặn việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gây tổn hại khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, củng cố hệ thống chính trị, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tăng cường đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao nhận thức, trình độ văn hóa, ý chí, nghị lực và khả năng vươn lên của đồng bào dân tộc; phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong việc phát triển kinh tế - xã hội, phát triển phong trào thi đua yêu nước vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình lần thứ nhất có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá công tác dân tộc thời gian qua, nhất là từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Đảng (khóa IX) để khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, đồng thời tôn vinh và biểu dương những đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với thành tựu chung của tỉnh, đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác dân tộc từ nay đến năm 2020, tạo sự đồng thuận và niềm tin đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng hệ thống chính trị và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Phan Hiếu (Thực hiện)