Để quá trình tổ chức được thuận lợi, trước hết UBND tỉnh Ninh Bình đã đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện tuyên truyền chủ trương, tiêu chí đưa người dân tỉnh Ninh Bình về quê theo kế hoạch. Chỉ đạo các chốt kiểm soát phòng, chống dịch tạo điều kiện để người dân Ninh Bình đến địa điểm tập kết; chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn hỗ trợ người dân Ninh Bình xét nghiệm SARS-CoV-2 trước ngày về quê.
Cùng với đó, UBND tỉnh cũng xây dựng kế hoạch cụ thể để đón người dân về quê an toàn, đảm bảo các nguyên tắc phòng, chống dịch. Các đối tượng cụ thể được ưu tiên gồm: người cao tuổi, phụ nữ có thai, gia đình có con nhỏ, người bị mắc bệnh lý nền, người lao động bị mất việc làm, gặp khó khăn chỗ ở, học sinh, sinh viên bị kẹt lại,...
Có thể thấy chủ trương đón đồng bào ở vùng tâm dịch trở về quê nhà thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền với người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19, là hành động thiết thực, thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc, truyền thống tốt đẹp lá lành đùm lá rách của con người vùng đất Cố đô Hoa Lư, tô thắm thêm nghĩa đồng bào trong đại dịch. Tuy nhiên, để hoạt động ý nghĩa này phát huy hiệu quả, thiết nghĩ vấn đề bảo đảm an toàn cần được đặt lên hàng đầu.
Các công dân khi được đón về phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc, quy định phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế và của UBND tỉnh; bảo đảm an toàn, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong quá trình tiếp nhận, đón về; không để lây nhiễm đối với cán bộ, chiến sỹ, lực lượng y tế, các lực lượng trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ và trong cộng đồng dân cư. Khi trở về quê, đồng bào cần được chuẩn bị chu đáo từ việc đăng ký, kê khai dịch tễ, xét nghiệm,… Công tác chuẩn bị cách ly tập trung cũng cần đi trước một bước với đầy đủ nhân lực, vật lực, đồng thời đảm bảo các điều kiện về ăn ở, cung cấp nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt của bà con.
Mặt khác, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, yêu cầu việc đón công dân về tỉnh, để người dân đồng thuận với cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn chung, năng lực cách ly, điều trị của tỉnh còn hạn chế, chủ trương đón người dân vùng dịch về quê dự kiến cần tới nguồn lực không hề nhỏ, vì vậy việc phát động sự ủng hộ, hỗ trợ thêm từ cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài tỉnh là điều cần thiết. Ở đó, mỗi người dân cần thể hiện trách nhiệm cộng đồng bằng những nghĩa cử cao đẹp, những hành động thiết thực, tạo nên sức mạnh đoàn kết, là động lực để toàn xã hội cùng vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh.
Ngoài những vấn đề cấp bách đặt ra, trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp giúp đỡ người dân trở về từ vùng dịch, thiết nghĩ cũng cần tính đến hoạt động giới thiệu, tạo việc làm để họ sớm ổn định cuộc sống sau khi hoàn thành cách ly y tế. Theo đó, cần tiến hành rà soát các đối tượng, thuộc ngành nghề nào, lứa tuổi nào, phù hợp với công việc nào và nguyện vọng tìm kiếm việc làm như thế nào để có kế hoạch hỗ trợ các điều kiện cần thiết như: tạo điều kiện về vốn vay, học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm... Đồng thời khẩn trương kết nối với các doanh nghiệp lớn, các cơ sở sản xuất trên địa bàn để nắm thông tin tuyển dụng. Song hành với đó là tập trung triển khai thực chất các gói hỗ trợ theo quy định của Trung ương cũng như các gói hỗ trợ và sự chi viện cần thiết từ cộng đồng để "không ai bị bỏ lại phía sau".
Để triển khai đồng bộ công việc này, rõ ràng việc lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành, các địa phương, đơn vị liên quan phải tập trung, linh hoạt, cụ thể và kịp thời, trong phối hợp tổ chức công việc phải nhịp nhàng, đảm bảo "vì sức khỏe của nhân dân là trên hết".
Bùi Quang