Trạm bơm Bạch Cừ (huyện Hoa Lư), nơi vận hành tiêu úng dân sinh và sản xuất cho khoảng 8.000 ha của phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình và các xã Ninh Mỹ, Ninh Khang, Ninh Giang của huyện Hoa Lư, không khí lao động hết sức khẩn trương.
Các công nhân trực 24/24 giờ, phân công nhóm trực máy, nhóm trực tiếp vớt bèo, vật cản sinh trong quá trình tiêu rút nước... đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt.
Ông Phạm Sỹ Tuấn, Chi nhánh trưởng Chi nhánh KTCTTL huyện Hoa Lư cho biết: Để khắc phục hậu quả ngập úng trên địa bàn huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình, Đội khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) huyện đã chỉ đạo các cụm thủy nông khẩn trương triển khai các biện pháp chống úng cho từng vùng.
Bố trí công nhân trực 24/24h tại các cống trên tuyến đê để tận dụng từng giờ thủy triều thấp mở cống tiêu nước. Ngay sau khi khắc phục được sự cố về điện, Chi nhánh đã cho vận hành hết công suất các trạm bơm.
Bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ với các địa phương, HTX yêu cầu mở các cống nội đồng, vớt bèo, khơi thông dòng chảy, nhằm chuyển nước nhanh nhất về các trạm bơm lớn để tiến hành bơm tiêu nước.
Ở những khu vực xa công trình đầu mối, tổ chức khoanh vùng cục bộ, huy động các xã, HTX vận hành các máy bơm dầu, bơm điện để phối hợp bơm tát kịp thời chống úng cho lúa mùa... Đến sáng 29/7, Chi nhánh đã tiêu úng được cho khoảng 1/2 trong tổng số 2.300 ha lúa bị ngập.
Trên cánh đồng lúa của HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc không còn cảnh nước ngập trắng băng, đã có thể nhìn thấy thấp thó màu xanh của lúa. Ông Vũ Văn Quyết, giám đốc HTX cho biết: 100% diện tích lúa mùa của HTX là gieo vãi, mặc dù gieo sớm, lúa đã lên cao được 15-20 cm. Trước bão, đội thủy nông của HTX cũng đã tháo kiệt nước trên đồng nhưng mưa lớn kéo dài nên toàn bộ diện tích vẫn ngập trắng.
Trước tình hình đó, cùng với việc tiêu nước trên hệ thống trạm bơm Cổ Quàng của Công ty KTCTTL huyện, chúng tôi cũng đã chủ động vận hành các máy bơm vô ống đồng thời thuê thêm 7 máy bơm dầu bơm tiêu ở các khu ruộng trũng (đồng Nhất, đồng Nhì, đồng Tam).
Hiện tại, cơ bản đã khắc phục xong được ngập úng, chỉ còn khoảng 40 ha ở vùng trũng là vẫn đang bị ngập, HTX đang tiếp tục bơm tiêu. Nếu tình hình diễn biến thời tiết thuận lợi, trời không có mưa thì đến cuối ngày 29/7 sẽ không còn diện tích nào bị ngập nữa.
Lãnh đạo Công ty TNHHMTV KTCTTL cho biết: Công ty đã ngay lập tức cử cán bộ đi kiểm tra tình hình thực tế tại các địa phương; chỉ đạo các trạm bơm thực hiện bơm tiêu úng hết công suất đồng thời tận dụng triệt để thời gian mở cống đối với các vùng triều, đặc biệt là các huyện Yên Khánh, Kim Sơn.
Ưu tiên các vùng lúa mới gieo cấy, khả năng chống chịu với úng ngập kém trước. Nhờ vậy, đến 7 giờ sáng 29/7, diện tích ngập trắng đã thu hẹp xuống còn 9.000 ha ngập trắng.
Được biết, trong ngày 29/7, các đơn vị thủy nông tiếp tục vận hành 44 trạm bơm với tổng số 193 máy bơm; đồng thời mở 52 cống dưới đê. Dự kiến, nếu hệ thống điện cung cấp ổn định, thời tiết không có những diễn biến phức tạp thì đến ngày 30/7 sẽ cơ bản xóa được các điểm ngập trắng trên địa bàn toàn tỉnh.
Mưa lớn kéo dài những ngày qua đã gây ngập úng trên 30 nghìn ha lúa mùa của tỉnh. Trong đó diện tích ngập trắng là trên 25.000 ha. Những địa phương bị nặng nhất là các huyện Gia Viễn, Hoa Lư, Kim Sơn, thành phố Ninh Bình (80-90% diện tích).
Ngoài ra, tình trạng lúa ngập lụt còn phụ thuộc vào việc lúa gieo cấy sớm hay muộn. Diện tích lúa gieo thẳng và lúa mới cấy sẽ thiệt hại nặng nề hơn. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp cùng với các địa phương và bà con nông dân trong tỉnh đã nỗ lực, bằng mọi hình thức rút nước cứu lúa.
Hà Phương