Trong số gần 30 lão thành cách mạng của xã còn sống, chúng tôi đã gặp cụ Đinh Kim Sinh, thôn Anh Trỗi, người đã có gần 60 năm tuổi Đảng và là Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lưu năm nào để lắng nghe rõ nhất sự đổi thay của quê hương cách mạng hôm nay. Cụ Đinh Kim Sinh kể rằng, trước Cách mạng tháng Tám, xã Quỳnh Lưu là nơi đầu tiên ở Ninh Bình thành lập chi bộ Đảng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân trong xã đã đóng góp sức người, sức của là một trong những địa bàn, hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến. Hàng nghìn người con của Quỳnh Lưu hăng hái lên đường nhập ngũ, trong đó có 188 người con kiên trung đã anh dũng hy sinh, 81 thương binh đã bỏ lại một phần xương máu nơi chiến trường… Những đóng góp to lớn ấy của Quỳnh Lưu đã được Đảng và Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý, điển hình như năm 1950 được Hồ Chủ tịch gửi thư khen ngợi về thành tích xóa nạn mù chữ; năm 1998 được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, hàng nghìn tập thể và cá nhân được Đảng và Nhà nước khen tặng huân, huy chương và nhiều bằng khen, giấy khen cũng như những phần thưởng cao quý khác…
Nói về những đổi thay của vùng đất này, cụ Đinh Kim Sinh chia sẻ: Quê hương Quỳnh Lưu hôm nay đã đổi thay nhiều lắm, có thể nói là một trời, một vực. Từ cuộc sống lam lũ, đói nghèo, không đủ ăn, đủ mặc xưa kia, bây giờ cuộc sống của người dân đã được nâng lên, tỷ lệ khá và giàu tăng nhanh, cơ sở hạ tầng, đường sá, các công trình công cộng được đầu tư xây dựng hiện đại, khang trang, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Niềm vui của người lão thành cách mạng cũng là niềm vui chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quỳnh Lưu khi xã đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu về đích vào năm 2015.
Đồng chí Đinh Ngọc Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lưu cho biết: Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, mỗi thế hệ cán bộ, người dân Quỳnh Lưu lại nỗ lực đóng góp công sức, trí tuệ của mình để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đặc biệt trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với hình thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhiều công trình phục vụ đời sống người dân được triển khai xây dựng trên địa bàn xã, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Hiện trường THCS, trường Tiểu học, trường Mầm non và Trạm y tế xã đã đạt chuẩn Quốc gia. Hệ thống đường giao thông thôn, xóm, kênh mương được đầu tư xây dựng kiên cố, cơ bản đáp ứng hiệu quả nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Xã chỉ còn 2 thôn đang xây dựng nhà văn hóa, phấn đấu hết năm 2014 sẽ có 13/13 xã có nhà văn hóa thôn, xóm. Từ nền sản xuất nông nghiệp bấp bênh năm xưa, nay đã xuất hiện nhiều mô hình, cánh đồng cho giá trị kinh tế cao. Toàn xã có hơn 100 hộ gia đình có thu nhập từ 60 triệu đồng/năm trở lên. Ngành nghề dịch vụ được xã quan tâm tạo điều kiện phát triển. Một số ngành nghề như vận tải, xây dựng, may mặc… được duy trì và phát triển.
Toàn xã có 1 doanh nghiệp gốm sứ Quỳnh Lưu, 5 doanh nghiệp tư nhân và trên 500 hộ kinh doanh các loại hình dịch vụ, thu hút hơn 1 nghìn lao động tham gia làm việc, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hoàn thiện tiêu chí cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới. Hiện xã đã đạt 14/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có nhiều tiêu chí khó như trường học, y tế, giáo dục, môi trường, hình thức lao động sản xuất… Xã đang nỗ lực hoàn thiện nốt các tiêu chí hộ nghèo, cơ sở văn hóa, thu nhập… phấn đấu hết năm 2015 sẽ về đích nông thôn mới.
Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống hiện tại ngày càng ấm no, hạnh phúc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quỳnh Lưu dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đến những gia đình cách mạng, người có công với đất nước. Theo đó, ngoài việc giải quyết đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người có công chặt chẽ, kịp thời, đúng đối tượng, các cấp chính quyền, đoàn thể trong xã chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước của cha ông, đẩy mạnh phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Mỗi năm, xã vận động xây dựng quỹ hàng chục triệu đồng để tu bổ nghĩa trang liệt sỹ, tặng quà, thăm hỏi đối tượng người có công, hỗ trợ một phần việc di chuyển, cất bốc, mai táng hài cốt liệt sỹ…
Đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa để chăm lo cho người có công. Từ năm 2007-2013, bằng số tiền quyên góp được, xã đã xây mới và sửa chữa 12 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng. Riêng năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, với sự trợ giúp của Lữ đoàn 241, Lữ đoàn 202, xã đã làm mới được 3 ngôi nhà tình nghĩa với số tiền gần 200 triệu đồng và cải tạo 3 căn nhà trị giá 100 triệu đồng...
Cán bộ, hội viên các tổ chức hội đã tích cực gương mẫu, đi đầu trong phong trào xây dựng quỹ, đóng góp ngày công xây dựng và sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách, người có công, điển hình như Đoàn thanh niên với công tác chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, thắp nến tri ân dịp 27-7; Hội Cựu chiến binh, Hội nông dân triển khai nhiều giải pháp giúp đỡ, chăm lo có hiệu quả tới đời sống gia đình người có công, như tư vấn tổ chức sản xuất, tín chấp vay vốn, đào tạo nghề cho con em người có công, giúp cho nhiều hộ có thêm việc làm với mức thu nhập ổn định; Hội phụ nữ phân công các hội viên gần gũi, chăm sóc và giúp đỡ gia đình chính sách trong việc cấy, gặt, hiếu, hỉ…
Các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn như: Lữ đoàn 241, Lữ đoàn 202, Trường THPT Nho Quan A… cũng rất tích cực tham gia vào phong trào Đền ơn đáp nghĩa bằng những việc làm thiết thực như: vận động đóng góp xây nhà tình nghĩa, tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết …
Với mỗi người dân Quỳnh Lưu hôm nay, việc chăm sóc cho gia đình người có công không chỉ còn là trách nhiệm mà đã trở thành truyền thống và niềm vinh dự to lớn tỏ lòng tri ân đối với những người con ưu tú của quê hương đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, quê hương...
Bài, ảnh: Hạnh Chi