Tìm hiểu sự phát triển kinh tế của người dân trong xã, chúng tôi đến thăm một số mô hình kinh tế được đánh giá là hiệu quả góp phần vào công cuộc làm giàu bền vững trên mảnh đất quê hương. Đó là mô hình kinh tế VAC tổng hợp của gia đình giáo dân Phạm Văn Lượng, Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam xã Chính Tâm, ở thôn Cách Tâm. Từng là bộ đội Cụ Hồ, hiện là bệnh binh mất 61% sức khỏe, với ý chí, nghị lực của người lính, ông Lượng luôn trăn trở tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Hơn 10 năm qua, gia đình ông Lượng không ngừng mở rộng mô hình chăn nuôi lợn, gà hàng trăm con và trồng cây thuốc nam.
Ông Phạm Văn Lượng cho biết: Nhận thấy cây thuốc nam phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương vì vậy tôi đã tận dụng diện tích đất vườn hơn 2 sào trồng cây bạch chỉ và cây trạch tả. Đồng thời, gia đình còn đầu tư chuồng trại nuôi lợn và gà.
Để mô hình phát triển có hiệu quả, ông Lượng tích cực áp dụng KHKT để chăm sóc cây trồng, vật nuôi và học hỏi thêm kinh nghiệm từ những mô hình khác.
Theo ông Lượng, trồng 2 loại cây thuốc nam này rất dễ chăm sóc bởi cây dễ sống, sinh trưởng tốt, không bị mất mùa. Mô hình kinh tế của gia đình ông Lượng cho thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Một mô hình trồng cây thuốc nam khác là của gia đình ông Phạm Văn Tiên, thôn Thành Đức. Ông Tiên cho biết: Từ hiệu quả bước đầu khi trồng cây thuốc nam tại 2,5 sào ruộng, gia đình tôi đã đấu thầu thêm hơn 5 sào ruộng của các hộ dân khác.
Hiện nay gia đình đang trồng 8 sào thuốc nam tại vườn và trên đất 2 lúa, trồng cây bạch chỉ mỗi năm 2 vụ và xen canh trồng ngô và cây bạch truật. Mỗi năm thu trên 2 tấn thuốc. Trung bình cây bạch chỉ cho thu nhập 10 triệu đồng/sào. Mô hình cây thuốc nam của gia đình ông Tiên mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng.
Tự hào về những đổi thay trên quê hương mình, ông Vũ Văn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Chính Tâm cho biết: 5 năm trước đây, Chính Tâm với xuất phát điểm thấp, không có nhiều tiềm năng, thế mạnh, phần lớn người dân sản xuất theo hướng truyền thống, diện tích sản xuất từng hộ còn manh mún, nhỏ lẻ nên khó đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm trên 14%; thu nhập đầu người mới đạt 15-16 triệu đồng/năm; kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế, đường giao thông xã chưa được hoàn thiện, các đường trục xã, trục thôn còn nhỏ, hẹp, xuống cấp nên chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, dân sinh; nguồn thu ngân sách của địa phương rất hạn hẹp, trong khi còn nhiều tiêu chí đòi hỏi phải có nguồn đầu tư lớn vượt ngoài khả năng của địa phương và đóng góp của nhân dân như đầu tư giao thông, thủy lợi, thiết chế văn hóa... Năm 2010, xã mới đạt 6/19 tiêu chí nông thôn mới.
Từ khó khăn đó, để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xã đã ban hành các nghị quyết, xây dựng các kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trong đó, sản xuất nông nghiệp là phương thức canh tác chính nên Đảng ủy, UBND xã chủ động đề ra các biện pháp cụ thể như phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở; thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; thường xuyên tổ chức tập huấn cho bà con nông dân những kiến thức khoa học về chăn nuôi, trồng trọt; quan tâm hỗ trợ vốn, chú trọng đưa giống mới năng suất cao vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương…
Đồng thời, khuyến khích bà con tập trung chăm sóc, phát triển cây thuốc nam thành cây chủ lực. Từ đó tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng dần qua các năm.
Hàng năm, tổng sản lượng lương thực có hạt toàn xã đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, cây thuốc nam như trạch tả, bạch chỉ được bà con tích cực đưa vào trồng, trở thành cây xóa đói, giảm nghèo của xã. Đến nay diện tích trồng cây thuốc nam đạt trên 20ha.
Cùng với đó, xã Chính Tâm còn đẩy mạnh công tác dạy nghề, hỗ trợ kinh phí giải quyết việc làm tại chỗ cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo và đưa các ngành nghề mới, dịch vụ vào phát triển kinh tế.
Đến nay, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, thương mại có sự phát triển khá, chiếm gần 42% tổng giá trị sản xuất của xã. Những yếu tố này đã giúp người dân ổn định cuộc sống, thu nhập bình quân đạt 21,5 triệu đồng/người/năm. Toàn xã có trên 70% nhà cao tầng, kiên cố, không còn nhà tạm, dột nát.
Bài, ảnh: Hồng Vân