Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là xã Quỳnh Lưu. Chiến khu Quỳnh Lưu là căn cứ cách mạng của Đảng thời kỳ kháng Nhật và Pháp. Đây cũng là nơi sinh ra những chiến sĩ cách mạng tiêu biểu như các đồng chí Đinh Tất Miễn, Lương Văn Thăng, Hà Thị Quế và anh hùng Lương Văn Tụy. Giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng năm xưa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quỳnh Lưu hôm nay luôn đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, phát huy dân chủ, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Xã Quỳnh Lưu đã đạt được những thành tựu quan trọng, năm 2015, xã đã "cán đích" nông thôn mới; kết cấu hạ tầng, xây dựng cơ bản được chú trọng đầu tư; kinh tế phát triển, sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo...
Để có được những kết quả đó, một trong những nguyên nhân là bởi sự chỉ đạo, điều hành hiệu quả, có đường lối, quyết sách đúng đắn từ cấp ủy và chính quyền địa phương. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Văn Trường, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lưu cho biết: Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng ủy xã Quỳnh Lưu luôn xác định công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị là nhiệm vụ then chốt, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội.
Bám sát sự lãnh đạo của Đảng ủy, hoạt động của HĐND, UBND xã từng bước được đổi mới, tập trung kiện toàn, củng cố bộ máy lãnh đạo theo hướng đạt chuẩn, đáp ứng tình hình mới. Chất lượng cán bộ, công chức được nâng lên; chất lượng các kỳ họp được cải tiến, luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Các tổ chức chính trị - xã hội bám sát cơ sở, tăng cường công tác vận động quần chúng, đồng thời thể hiện vai trò nòng cốt, tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, quy chế dân chủ ở cơ sở luôn được phát huy, công tác cải cách hành chính được chú trọng, bộ phận "một cửa" hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, kết hợp giữa công tác tư tưởng với tổ chức cán bộ, kiểm tra giám sát; gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Rời xã Quỳnh Lưu với ấn tượng mạnh mẽ về vai trò lãnh đạo của Đảng bộ xã, điểm đến thứ hai của chúng tôi là xã Sơn Lai, cũng là một trong 9 xã ATK của huyện Nho Quan. Con đường trục chính dẫn vào trung tâm xã Sơn Lai được trải thảm nhựa phẳng lì, diện mạo nông thôn ở vùng chiến khu xưa đã có nhiều khởi sắc. Nhà cao tầng mọc lên san sát, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang.
Trò chuyện với đồng chí Đinh Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lai được biết: Xã Sơn Lai về đích nông thôn mới năm 2018, từ đó đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng chí Sơn cũng khẳng định, nông thôn mới là cuộc cách mạng góp phần làm cho bộ mặt kinh tế - xã hội của xã có nhiều thay đổi. Kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Đời sống nhân dân trong xã từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm, tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Sau 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn kinh phí xã đã huy động được là trên 290 tỷ đồng. Ngoài nguồn kinh phí của Nhà nước, xã Sơn Lai đã làm tốt công tác dân vận, huy động nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, với số tiền đóng góp của nhân dân chiếm tới 42% trong tổng nguồn vốn huy động. Bên cạnh đó, cấp ủy và chính quyền địa phương đã có những chủ trương, định hướng cụ thể và chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, các ngành nghề kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tính đến cuối năm 2019, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác tại xã Sơn Lai đạt gần 94 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/năm.
Tuy vẫn còn đó những khó khăn, vất vả, nhưng sự đổi thay ở những vùng quê cách mạng như Quỳnh Lưu, Sơn Lai cho chúng ta thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như thời kỳ xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Bài, ảnh: Thái Học