Cụ Khắc nhớ lại, những năm trước đây, đời sống của bà con hết sức khó khăn. Đỉnh điểm, vào những năm đầu của thập kỷ 90, tỷ lệ hộ nghèo của xã lên tới 50%. Làm thế nào để bà con có đủ cơm ăn, áo lành để mặc? Đó là niềm trăn trở của biết bao thế hệ cán bộ xã. Song, đây thực sự là bài toán khó. Bởi hầu hết bà con nơi đây vẫn chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, còn chịu ảnh hưởng bởi tập quán sản xuất lạc hậu, "du canh, du cư". Trong khi đó, mặc dù diện tích đất nông nghiệp nhiều, nhưng đồng ruộng của Phú Long lại chưa được cải tạo, quy hoạch, chưa chủ động được việc tưới tiêu mà phụ thuộc hoàn toàn vào việc cung cấp nước của hồ Đá Lải và Mắt Rồng. Năng lực cung cấp nước của hai hồ này lại chỉ đủ để phục vụ cho 50 ha lúa ở các thôn 1, 2 và thôn 6. Trước thực trạng đó, Đảng bộ, chính quyền xã đã nỗ lực tìm ra giải pháp phù hợp với thực tế địa phương nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, trước tiên, đảng bộ xã chỉ đạo tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, qua đó, nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường của người dân Phú Long. Bên cạnh đó, Đảng bộ còn giao nhiệm vụ cho từng đảng viên, có trách nhiệm giúp đỡ các hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo. Các đảng viên gương mẫu trong mọi công việc và tích cực vận động gia đình, họ hàng cùng thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xóa đói, giảm nghèo. Các hội, đoàn thể trong xã cũng đã phát huy vai trò tích cực, chủ động trong tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, nhân dân hăng hái lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói-giảm nghèo.
Một bước ngoặt lớn đã đến với Phú Long. Vào những năm cuối của thập kỷ 90, một vài người dân năng động đã đưa cây mía đường vào trồng thử trên diện tích đất khó cấy lúa. Bước đầu cho thấy, tuy chi phí cho sản xuất lớn, song năng suất và giá thành của mía lại cao, thị trường tiêu thụ rộng. Vậy là từ vài hộ trồng thí điểm, toàn xã đã có 50 ha trồng mía đỏ. Nhận thấy tiềm năng trong việc phát triển cây mía ở Phú Long, Công ty mía đường Việt-Đài (Thanh Hóa) đã tìm đến xã, đề đạt ý tưởng muốn mở rộng vùng trồng cây mía đường. Đội khuyến nông của Công ty phối hợp với chính quyền địa phương về tận các hộ dân để phân tích, vận động. Trồng mía đường khá đơn giản, chi phí cho sản xuất chỉ vào khoảng 20 triệu đồng/ha. Nhờ kỹ thuật lưu gốc nên sau 3 năm, bà con mới phải trồng lại. Để khuyến khích bà con, ngoài hỗ trợ về giống, kỹ thuật, Công ty còn hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Nhờ "thuận lòng dân" nên chỉ sau một thời gian ngắn, việc hình thành vùng trồng mía đường đã thành công. Đến nay, diện tích trồng mía đã được mở rộng lên 210 ha với sản lượng 60 tấn/ha, giá bán từ 50-60 triệu đồng/ha. Sản phẩm được thu mua tận ruộng và quan trọng là người dân không bị các thương lái ép giá. Cùng với cây mía đường, người dân trong xã còn đưa cây dứa và lạc vào gieo trồng. Tất cả những cây này đều được xã tìm đầu ra cho sản phẩm nên người nông dân hoàn toàn yên tâm sản xuất. Một lợi ích nữa của cây mía, đó là người dân có thể tận dụng phần ngọn mía để phát triển chăn nuôi. Nhiều hộ dân đã hướng đến chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại. Bên cạnh đó, nhiều hộ còn mạnh dạn đưa các con đặc sản vào nuôi như hươu, nhím, dê, ong mật… Từ các mô hình kinh tế tổng hợp này, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Đến nay, xã Phú Long có hơn 70 hộ nuôi gà đồi có quy mô trên 100 con trở lên và các hộ nuôi nhỏ lẻ 50 - 60 con có khoảng 200 - 300 hộ.
Đồng chí Bùi Công Nguyên, Bí thư đảng ủy xã cho biết: Giờ đây, Phú Long đã xuất hiện hàng chục hộ gia đình đưa vào nuôi các con đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao như: cá sấu, ba ba… với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 4,6% năm 2014. Thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân xã Phú Long tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, gắn với việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền nhân dân vững mạnh. Trong đó, mục tiêu cụ thể trước mắt đó là giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 4% trong năm nay.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng - Minh Quang