Những năm trước đây, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động chịu sự quản lý của nhiều chủ thể khai thác nên "mạnh ai nấy làm", sự đầu tư trở lại cho khu du lịch rất ít.Người dân chưa được tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nâng cao nhận thức nhiều về vai trò, ý nghĩa về tiềm năng phát triển kinh tế du lịch, trách nhiệm trong việc giữ gìn danh thắng và cách làm du lịch để níu chân, thu hút du khách. Do vậy, những hiện tượng chèo kéo khách, ép khách mua hàng, xin tiền bo... vẫn xảy ra.
Từ năm 2006, khi có chủ trương của tỉnh về thống nhất cách quản lý và thành lập Ban Quản lý Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động thì những bất cập nêu trên đã dần được khắc phục, văn minh du lịch được lập lại và từng bước đi vào nề nếp, góp phần quan trọng vào việc thu hút khách đến Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động.
Có BQL khu du lịch, nhiều người dân trong xã Ninh Hải đều có chung cảm nhận về sự đổi thay này, từ lực lượng chở đò, bán hàng, chụp ảnh, đến những người dân trong xã. Không chỉ nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan, các lực lượng đều có những việc làm thiết thực góp phần vào sự chuyển biến tích cực đó. Với lực lượng chở đò, mọi người đều có thái độ phục vụ chu đáo, nhiệt tình, phong cách lịch sự, học ngoại ngữ để giao tiếp thông thường với du khách nước ngoài. Không còn tình trạng đeo bám dai dẳng khách, chèo kéo, ép khách chụp ảnh, mua hàng.
Anh Chu Văn Lai, tổ trưởng tổ chụp ảnh cho biết: Đạt được kết quả này là do các anh đã đứng ra tổ chức thành 4 tổ thợ chụp ảnh, chia theo ca, mỗi ca 7 ngày. Các tổ đều thực hiện nghiêm túc, nề nếp việc hành nghề, có sự theo dõi chặt chẽ của tổ tự quản.
Công tác vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh du lịch là một cách làm đúng, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đồng thời huy động được sự chung tay các tổ chức đoàn thể, sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Xã đã phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của các đảng viên đối với việc thực hiện nếp sống văn minh du lịch. Vận động 100% số hộ tham gia làm dịch vụ du lịch, vận động hội viên phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, đoàn viên, thanh niên, các doanh nghiệp, các nhà hàng ký cam kết thực hiện tốt các nội quy, quy định của Khu du lịch. Ngoài tuyên truyền, Khối Dân vận của xã còn phối hợp với Ban Quản lý Khu du lịch tổ chức 7 lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, ngoại ngữ cho hơn 1 nghìn lượt người dân tham gia. Trong sự phối hợp này, Ban Quản lý Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đã thành lập các đội, phân công công việc cụ thể như đội vệ sinh môi trường, đội an ninh trật tự, đội điều đò, bán vé... Mỗi cán bộ, công nhân viên của Ban Quản lý đều nâng cao năng lực, không ngừng học hỏi để đáp ứng yêu cầu công việc.
Anh Đinh Tiến Ngọc, làm tại tổ điều đò tại bến thuyền Đình Các cho biết: Để làm tốt công việc được giao, nhất là để có thể hướng dẫn cho du khách nước ngoài hiểu được một số nét cơ bản khi đến khu du lịch, hướng dẫn cách xuống đò, chờ đò... 6 người trong tổ đều phải tự học, trau dồi một số ngoại ngữ để giao tiếp. Hàng ngày, đội vệ sinh môi trường duy trì việc dọn vệ sinh bến thuyền Đình Các, vớt rác trên sông, quét dọn đường đi, cắt tỉa cây xanh từ cống Rồng vào khu trung tâm và các khu, bến bãi khác.
Ban cũng luôn đổi mới hình thức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh thông qua các biển quảng cáo, hệ thống panô, áp phích, băngzôn, chỉ dẫn từ cầu Vòm vào bến xe Đồng Gừng; tuyên truyền nội quy, quy chế trên hệ thống đài truyền thanh 3 cấp, lồng ghép vào trong các hội nghị, các lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch cho nhân dân.
Nhờ sự quan tâm phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan, đặc biệt là khối Dân vận và toàn thể nhân dân, hoạt động của Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đã đi vào nền nếp. Hiệu quả từ công tác vận động thực hiện nếp sống văn minh đã góp phần đưa doanh thu du lịch tại đây tăng cao, lượng khách đến ngày một tăng.
Năm 2008, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đã đón 333.786 lượt khách, tăng 24% so với năm 2007, trong đó đón trên 154 nghìn lượt khách quốc tế, thu phí và lệ phí đạt 14,05 tỷ đồng, nộp ngân sách 4,5 tỷ đồng. Đời sống, mức thu nhập của những người dân của xã Ninh Hải tham gia làm du lịch cũng tăng lên rõ rệt, từ 5,2 triệu đồng/người/năm (năm 2005) tăng lên 6,5 triệu đồng/người/năm (năm 2008).
Từ thành công này, mô hình thực hiện nếp sống văn minh ở Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đang được nhân ra diện rộng trong các khu, điểm du lịch trong tỉnh nhằm đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Hoàng Tâm