Trên địa bàn thành phố Tam Điệp, các loại đồ chơi Trung thu được bày bán ở các cửa hàng văn phòng phẩm và hàng tạp hóa trên các tuyến đường chính của thành phố. Toàn thành phố có 9 cửa hàng, điểm bán mặt hàng đồ chơi trẻ em, trong đó có 2 cửa hàng lớn, quy mô lớn ở trung tâm thành phố Tam Điệp và ở xã Đông Sơn.
Đồ chơi năm nay đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Phần lớn các cửa hàng kinh doanh nhập các sản phẩm đồ chơi đảm bảo quy định về nhãn mác hàng hóa, đều có nhãn phụ CP ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, đơn vị nhập khẩu. Tuy nhiên, vẫn còn sản phẩm đồ chơi rẻ tiền được nhập từ Trung Quốc, không có hóa đơn chứng từ hàng hóa nhập khẩu.
Chị Vũ Thị Vĩ, chủ cửa hàng đồ chơi tại thôn 3, xã Đông Sơn cho biết: Kinh doanh đồ chơi tại thị trường nông thôn, gia đình tôi đã cân nhắc, tính toán nhập những mặt hàng đồ chơi phù hợp với điều kiện của người dân địa phương.
Theo xu hướng của thị trường đồ chơi cả nước phục vụ dịp Trung thu này, cửa hàng đã nhập những đồ chơi đảm bảo theo quy định của pháp luật, đa phần của các doanh nghiệp Việt Nam và đồ chơi truyền thống.
Đồng thời, cửa hàng cũng nhập ngoại một số sản phẩm nhằm phục vụ tối ưu theo sở thích của khách hàng. Tuy nhiên, sản phẩm đồ chơi nhập khẩu có giá thành cao nên ít người lựa chọn.
Bà Tống Thị Kim Yến, kinh doanh mặt hàng đồ chơi tại chợ Đồng Giao cho biết: Do đặc thù buôn bán ở chợ nên tôi nhập đa dạng loại đồ chơi có giá thành trung bình, đa phần là loại đồ chơi rẻ, một số là sản xuất thủ công, giá thành thấp.
Đồng chí Phạm Văn Ngọc, Đội phó Đội quản lý thị trường thành phố Tam Điệp cho biết: Nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng, sở hữu công nghiệp, nhãn hàng hóa đối với nhóm hàng đồ chơi trẻ em, Đội quản lý thị trường thành phố đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đồ chơi lưu thông trên địa bàn.
Tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, lực lượng Công an kiểm tra, bắt giữ các đối tượng buôn bán hàng đồ chơi không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu, hàng đồ chơi nguy hiểm, bạo lực, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là dịp trước Tết Trung thu 1 tháng để người kinh doanh và người tiêu dùng không mua, bán các loại đồ chơi chưa được gắn dấu hợp quy nhằm lành mạnh hóa thị trường đồ chơi trẻ em, giúp các em có được những món đồ chơi an toàn, bổ ích để phát triển.
Tuy nhiên, do địa bàn thành phố Tam Điệp giao thoa với tỉnh Thanh Hóa và có tuyến Quốc lộ Bắc Nam chạy qua nên Đội gặp không ít khó khăn trong việc kiểm soát thị trường đồ chơi trên địa bàn. Cùng với đó, các đối tượng buôn lậu dùng mọi cách qua mặt các cơ quan chức năng trong vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, nhập lậu.
Qua kiểm tra thường xuyên tại các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố cho thấy, năm nay hầu hết các hộ kinh doanh các mặt hàng đồ chơi đều có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo đúng quy định; các trò chơi nguy hiểm, bạo lực không có.
Những sản phẩm đồ chơi được sản xuất trong nước, nhà cung cấp phải đảm bảo hồ sơ công bố sản phẩm hợp quy do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đối với đồ chơi nhập khẩu, sản phẩm đó phải có kết quả kiểm tra chất lượng sản phẩm nhập khẩu trước khi thông quan, hồ sơ công bố sản phẩm hợp quy do cơ quan có thẩm quyền cấp, đảm bảo đủ tem, nhãn phụ của hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Năm 2016, Đội quản lý thị trường thành phố Tam Điệp đã xử phạt các cửa hàng kinh doanh đồ chơi vi phạm thiếu nhãn phụ hàng hóa với số tiền hơn 10 triệu đồng. Không phát hiện mặt hàng đồ chơi bạo lực trên thị trường. 8 tháng đầu năm 2017, Đội chưa phát hiện, xử lý vụ vi phạm buôn bán đồ chơi lậu, nguy hiểm nào trên địa bàn.
Một mùa Trung thu nữa lại về, các em thiếu niên, nhi đồng đang mong chờ một cái Tết ấm cúng và đầy ý nghĩa, các bậc phụ huynh cần định hướng các hoạt động vui chơi cho các em vừa lành mạnh, vừa tiết kiệm, góp phần xây dựng nhân cách chân, thiện, mỹ cho các em.
Bài, ảnh: Tiến Minh