Công ty nào cũng có những nhân viên xuất sắc, nổi trội về năng lực, vững vàng về chuyên môn. Những người này do được sếp quý mến, đồng nghiệp nể trọng nên thường có thái độ kiêu căng, hợm hĩnh.
Nhận diện đồng nghiệp ngạo mạn
Những đồng nghiệp ngạo mạn thường có thái độ không coi người khác ra gì. Nếu người khác lỡ làm điều gì không đúng, họ sẽ lên giọng giáo huấn, dạy bảo với giọng kẻ cả. Kèm theo đó là thái độ dè bỉu, khinh thường, thậm chí rêu rao lỗi của người khác với thiên hạ.
Họ giỏi và tự cho mình là nhất nên việc gì cũng muốn tham gia vào và luôn muốn ở vị trí chỉ đạo. Thậm chí ngay cả những vấn đề không thuộc chuyên môn hiểu biết của họ, họ cũng muốn đóng góp ý kiến. Những lời góp ý của họ thường ít mang tính xây dựng mà chủ yếu để họ tự khoe mẽ.
Đối phó với đồng nghiệp ngạo mạn?
Đừng chùn bước, chán nản, tỏ ý muốn rời bỏ chỗ làm vì kẻ ngạo mạn này. Nếu anh ta quá đáng, hãy giơ "nanh vuốt" của bạn ra, chứng tỏ cho anh ta thấy rằng có thể bạn không giỏi bằng anh ta, nhưng bạn là một nhân viên mẫn cán, nhiệt huyết và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ danh dự. Mỗi lần bị họ giáo huấn, trừ những lời góp ý thật sự, còn thì bạn không nên nhiệt tình lắng nghe. Hãy ậm ừ cho qua chuyện, đợi đến khi họ tự chán mà bỏ đi. Nếu bạn phải làm việc nhóm với đối tượng này, có thể hạn chế thói khoe mình của họ bằng cách họp nhóm, đưa ra quy tắc làm việc rõ ràng. Những vấn đề có thể gây ra tranh cãi hay chưa thống nhất giữa các thành viên, hãy tạo điều kiện thảo luận toàn nhóm để đi đến phương án cuối cùng. |
|
Cố gắng bảo vệ quan điểm của mình. Đừng để họ cảm thấy bạn là người dễ bị bắt nạt và thao túng.
Hãy làm việc nghiêm túc và nhiệt huyết. Cố gắng không để kẻ ngạo mạn bắt được lỗi của bạn.
Theo Dantri