Với chức năng, nhiệm vụ được giao, hàng năm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã phối hợp với các cấp, các ngành liên quan chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Đồng thời hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong tỉnh quan tâm thực hiện. Do vậy đã tạo sự chuyển biến tích cực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và năng lực thực thi công vụ, kỹ năng lãnh đạo quản lý của đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao, chất lượng tham mưu, đề xuất ngày một hiệu quả hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thời gian qua, chương trình bồi dưỡng được triển khai toàn diện với nhiều nội dung phong phú, tập trung chủ yếu vào bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ cấp tỉnh và cơ sở..., góp phần cung cấp, trang bị kịp thời những kiến thức mới về kinh tế, chính trị, xã hội cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, của tỉnh. Đặc biệt, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy mở 1 lớp cho 86 đồng chí cán bộ thuộc diện quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020; 2 lớp cho 135 cán bộ quy hoạch các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp xã... Sau các khóa học, trên 50% học viên đảm nhiệm các vị trí chủ chốt và ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020, 30% học viên đảm nhiệm các vị trí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Từ năm 2011 đến nay, đã cử 327 đồng chí đi bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ ở Trung ương, ở nước ngoài theo chương trình của tỉnh và Đề án 165, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng- an ninh đối tượng 1; tổ chức 1.188 lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho trên 137 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, Ban Tổ chức Tỉnh ủy còn tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện, thành ủy tổ chức 96 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức theo Quy định số 164-QĐ/TW ngày 1/2/2013 của Bộ Chính trị cho trên 14.000 lượt cán bộ, công chức, lãnh đạo quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy quản lý (đối tượng 3) và cán bộ lãnh đạo quản lý thuộc đối tượng 4.
Trong công tác đào tạo, đã đổi mới và áp dụng tốt các phương pháp truyền đạt kiến thức theo từng đối tượng đào tạo, bồi dưỡng. Giảng viên mời tham gia giảng dạy, truyền đạt kiến thức là những người có kiến thức sâu, rộng, có nhiều kinh nghiệm trong thực tế. Đặc biệt đã mời lãnh đạo các cơ quan, đơn vị công tác ở ngành, các địa phương có kinh nghiệm thực tiễn để truyền đạt kiến thức, hướng dẫn kỹ năng theo từng vị trí công việc.
Qua đó cung cấp cho người học những thông tin, kiến thức thiết thực. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn nhằm đưa công tác đào tạo chuyên môn sau đại học đi vào nề nếp, nghiêm túc hơn. Do vậy đã khắc phục được tình trạng học tập hình thức, chạy theo số lượng; việc chọn, cử cán bộ, công chức đi học bước đầu đảm bảo chuyên ngành đào tạo phù hợp với chuyên môn bậc đại học và chức danh, vị trí việc làm, đảm bảo đúng thẩm quyền theo phân cấp và ưu tiên các ngành, lĩnh vực mà tỉnh đang thiếu và cần. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã cử 12 đồng chí đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương, 709 đồng chí đi đào tạo trình độ thạc sỹ, 22 đồng chí đào tạo trình độ tiến sỹ; 124 đồng chí đào tạo bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa cấp I, cấp II.
Để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở, phấn đấu 100% cán bộ chủ chốt bầu vào các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND, HĐND cấp xã phải có trình độ chuyên môn đại học và trình độ trung cấp lý luận chính trị, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 2 lớp đào tạo chuyên môn đại học tại chức chuyên ngành Luật và Quản lý kinh tế cho 144 cán bộ cấp xã... Với việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh từng bước được nâng lên. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức (nhất là cán bộ chủ chốt) ở các cơ quan, đơn vị, địa phương có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng động và sáng tạo; tích cực thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trình độ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng của tỉnh.
Thùy Phương