Đồng chí Hoàng Văn Cường, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR cho biết: Từ năm 2013 đến năm 2017, đơn vị gặp không ít khó khăn, thách thức trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ như việc các đối tượng buôn lậu lâm sản thay đổi phương thức vận chuyển truyền thống chuyển sang vận chuyển bằng đường sắt và đường thủy nhằm giảm chi phí. Các văn bản pháp luật (liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản) khi được xây dựng và ban hành chưa thật sự sát thực tế nên có nhiều bất cập khi đưa vào triển khai thực hiện, nhiều lần phải sửa đổi, bổ sung, gây khó khăn cho lực lượng chức năng thi hành luật.
Đây cũng là giai đoạn hệ thống cơ sở hạ tầng tỉnh Ninh Bình có sự phát triển vượt bậc với nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ được nâng cấp và xây mới tạo nên một mạng lưới giao thông dày đặc như tuyến Quốc lộ 1A, tuyến cao tốc Ninh Bình - Cầu Giẽ, tuyến Quốc lộ 10; tuyến đường tránh thành phố Ninh Bình..., gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Do lực lượng mỏng nên lãnh đạo đơn vị khó khăn trong việc bố trí sắp xếp nhân sự thực hiện nhiệm vụ trên các tuyến đường. Bên cạnh đó các đối tượng buôn lậu lâm sản thường dùng mọi thủ đoạn tinh vi, sử dụng nhiều hầm, cốp, thay đổi kết cấu xe để cất giấu lâm sản; thường xuyên thay đổi biển số xe khi đi qua các tỉnh, một số đối tượng khi bị kiểm tra bắt giữ có hành vi côn đồ, lăng mạ lực lượng thực thi pháp luật.
Từ những khó khăn trên, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, lãnh đạo Đội đã chỉ đạo, sắp xếp nhân sự một cách khoa học, linh động, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trong và ngoài tỉnh như: cảnh sát giao thông, cảnh sát môi trường, cảnh sát kinh tế...Trong 5 năm, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 183 vụ buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Tịch thu 164,425m3 gỗ các loại; 2.412kg động vật rừng các loại và nhiều lâm sản ngoài gỗ khác. Thu nộp ngân sách Nhà nước gần 9 tỷ đồng.
Ninh Bình là tỉnh có lợi thế về du lịch, nhất là du lịch sinh thái khai thác cảnh quan môi trường (rừng đặc dụng). Đây là lợi thế của ngành du lịch nhưng lại là mối quan ngại lớn cho công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là công tác PCCCR. Du lịch phát triển tự phát theo chiều rộng chưa có sự đầu tư theo chiều sâu, chưa đánh giá được những tác hại của du lịch tới cảnh quan môi trường (môi trường rừng) do phát triển ồ ạt, người dân xâm lấn đất rừng để làm du lịch, lượng du khách đông... nhưng chưa có ý thức phòng cháy rừng.
Những tác động tiêu cực trên, chỉ riêng lực lượng Kiểm lâm giải quyết là chưa đủ, mà cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, Đội đã chủ động làm tốt công tác tham mưu bảo vệ rừng, nhất là công tác PCCCR. Những năm gần đây, các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh không nhiều, thiệt hại không đáng kể, do đã làm tốt công tác phòng cháy và đã có sự "phản ứng" kịp thời của lực lượng chuyên trách, khi cháy rừng xảy ra. Công tác phòng cháy được đơn vị đặc biệt chú trọng với phương châm phòng là chính. Vào đầu mùa nắng nóng, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR đã thường xuyên, liên tục tổ chức tuyên truyền trong cộng đồng dân cư sống gần rừng về nguy cơ cháy rừng, các biểu hiện của cháy rừng, cách thức phòng chống cháy rừng.
Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp với phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Chi cục thực hiện kiểm tra tại các vùng trọng điểm. Phương tiện, dụng cụ phòng cháy được kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên. Khi có báo cháy rừng xảy ra thì nhanh chóng huy động lực lượng cần thiết, kịp thời để triển khai chữa cháy. Điển hình như vụ cháy rừng tại xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn năm 2014; vụ cháy rừng tại phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp năm 2015; vụ cháy rừng đặc dụng tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư năm 2017...
Với sự nỗ lực, vượt khó của cán bộ, lãnh đạo, nhân viên trong 5 năm qua Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR đã được nhiều cấp, ngành khen thưởng; được UBND tỉnh Ninh Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen.
Đinh Chúc