Ông Nguyễn Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Những năm qua, tỉnh Ninh Bình tích cực hưởng ứng phong trào "Tết trồng cây", góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Các cơ quan, đơn vị, trường học vận động cán bộ, nhân dân, thanh niên, học sinh hưởng ứng bằng việc tham gia trồng cây nơi công sở, trường học, ngay tại nhà... tạo môi trường sáng- xanh-sạch-đẹp, góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường. Năm 2018, tỉnh ta phấn đấu trồng khoảng 1 triệu cây xanh, cây ăn quả và 50 ha rừng tập trung. Phong trào trồng cây đầu xuân được triển khai rộng khắp từ đô thị đến nông thôn, mà mở đầu là Lễ phát động "Tết trồng cây" được đồng loạt tổ chức vào ngày mùng 6 Tết Mậu Tuất. Dự kiến trong ngày ra quân, huyện Yên Khánh phấn đấu trồng 10.390 cây với các loại cây là sao đen, Osaka, sấu; thành phố Ninh Bình trồng 225 cây gồm sao đen, giáng hương, sấu; huyện Hoa Lư trồng 40.100 cây gồm sấu, phượng vĩ, xà cừ; huyện Kim Sơn trồng 9.000 cây gồm sấu, nhãn, xà cừ, phi lao; huyện Nho Quan trồng 40.060 cây gồm phượng vĩ, bằng lăng; huyện Gia Viễn 5.000 cây gồm sấu, keo, xà cừ, phượng vĩ; huyện Yên Mô trồng 3.700 cây gồm sấu, bằng lăng; thành phố Tam Điệp trồng 2.550 cây gồm xà cừ, sao đen, muống hoa vàng... Không ai có thể phủ nhận vai trò của cây xanh trong điều tiết môi trường sinh thái và môi trường sống, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang là một trong những Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Song thực tế hiện nay, vẫn còn có nơi chưa thật sự coi trọng ý nghĩa, hiệu quả của "Tết trồng cây".
Thậm chí có cơ quan, đơn vị tổ chức, phát động rầm rộ, mang nặng tính phô trương, hình thức. Các buổi lễ phát động được tổ chức hoành tráng với rất nhiều người tham gia, nhưng số lượng cây trồng lại ít. Việc lựa chọn cây trồng chưa phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu và dân cư từng vùng.
Cũng có địa phương thiếu quy hoạch tổng thể trồng cây xanh, cho nên trồng cây được một thời gian lại phải chặt bỏ để lấy đất thực hiện dự án khác. Mặt khác, do việc trồng cây chạy theo số lượng, chưa gắn với việc chăm sóc, bảo vệ cây, cho nên ở một số nơi, tỷ lệ cây trồng sống đạt thấp. Nhất là việc thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng khác, mấy năm gần đây đều không đạt kế hoạch. Tình trạng phá rừng, cháy rừng còn diễn ra phức tạp ở một số địa phương.
Để "Tết trồng cây" đi vào chiều sâu, mang lại những hiệu quả thiết thực, vấn đề quan trọng đặt ra đối với các địa phương, các cấp, các ngành là: Cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi tầng lớp nhân dân có thể nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của "Tết trồng cây" với tinh thần trồng cây nào sống cây ấy, chú trọng việc chăm sóc, bảo vệ cây mới trồng.
Các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ theo kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và kế hoạch trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác.
Các cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần quản lý chặt chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp từng vùng, miền cụ thể, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt, tranh thủ thời vụ, thời tiết thuận lợi để cây trồng có tỷ lệ sống cao. Tổ chức tốt việc chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây trồng, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô hanh, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để bảo đảm cây trồng, rừng trồng phát triển tốt.
Đinh Chúc