Tuy nhiên, ban đầu, mọi việc không như tôi tưởng. Dù được trang bị kiến thức khi còn ngồi ở giảng đường đại học, nhưng những phóng viên trẻ như chúng tôi vẫn ít nhiều cảm thấy bất ngờ, bỡ ngỡ trước những điều mới mẻ của nghề báo. Nó đòi hỏi sự chăm chỉ, nhanh trí và cả sự dũng cảm của người làm nghề.
Lúc mới về công tác, tôi gặp không ít khó khăn do không có nhiều mối quan hệ với cơ sở và chưa nắm bắt được tiêu chí, văn phong của tờ báo. Ngoài ra, việc thiếu sự trải nghiệm, khả năng giao tiếp của tôi còn hạn chế nên nhiều nơi liên hệ công tác họ chưa tin tưởng và ngại cung cấp thông tin. Chưa quen việc, không thực hiện được nhiều tin, bài là lúc tôi căng thẳng, lo lắng vì sợ không đạt định mức và áp lực của cơ quan.
Chưa hết, tôi còn nhớ những sản phẩm đầu tay khi gửi cho phòng và ban biên tập, do còn thiếu kinh nghiệm nên đôi khi mắc phải lối viết chủ quan, bố cục chưa hợp lí, đôi khi còn có lỗi chính tả, bài viết bị trả về sửa hoặc không dùng được. Dù gặp khó khăn trong những ngày đầu bước vào nghề, nhưng với niềm đam mê và tình yêu dành cho nghề báo tôi tự nhủ cần phải cố gắng khắc phục khó khăn, trau dồi bản thân để phát triển nghề nghiệp.
Tôi tự tìm tòi tài liệu, nghiên cứu sâu hơn các lĩnh vực, các mảng chủ đề. Đọc nhiều văn bản, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương, từ đó phát hiện ra các đề tài và tìm cách triển khai thực hiện. Đọc nhiều bài báo từ các đồng nghiệp và rút kinh nghiệm cho bài viết của mình.
Hơn một năm quyết định theo nghề báo, tôi đã hiểu rằng phải xác định "không sợ khổ" thì mới theo được nghề. Những kỷ niệm vui, buồn trong nghề báo rất nhiều, mỗi câu chuyện chính là một bài học. Đặc biệt, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, với những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Hoạt động báo chí cũng không nằm ngoài "vòng xoáy" đó. Khi đi làm các phóng sự, bài viết về từ người nông dân, đến người làm kinh doanh, dịch vụ,... phần nào đó tôi hiểu được sự khó khăn, vất vả nhưng vẫn đầy niềm tin, sự quyết tâm chống dịch của toàn thể nhân dân.
Từ những bài viết, những phóng sự của đồng nghiệp khắp cả nước trong tâm dịch đã cho tôi thêm niềm tin, sự dũng cảm. Mỗi lần được phân công đi vào vùng dịch, biết là dịch bệnh nguy hiểm nên tôi luôn tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn, không cảm thấy lo lắng. Tôi cảm thấy tự hào khi được là người mang đến cho độc giả những hình ảnh cảm động về các y bác sỹ, tình quân dân, quyết tâm "không ai bị bỏ lại phía sau" của các cấp, các ngành.
Tôi nhớ, gần đây, khi được phân công đi làm tin đón những người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở các tỉnh phía Nam trở về quê, trên chuyến tàu tình nghĩa của tỉnh. Tôi phải dậy từ 4 giờ sáng đến ga tàu, tuy mệt nhưng được chứng kiến cảnh bà con vui mừng khi được trở về quê hương, trong tôi cũng bồi hồi, xúc động. Đó cũng là lần đầu tiên tôi sử dụng bộ đồ bảo hộ, với nhiều lớp kín mít, nóng bức, không thoát được mồ hôi, trên mặt cũng phải đeo tới 2 lớp khẩu trang và kính che. Tôi chỉ mặc gần 2 giờ nhưng khi cởi bỏ bộ đồ thì toàn thân ướt đầm mồ hôi. Từ đó, tôi càng thêm khâm phục, cảm thông và yêu thương các y, bác sĩ phải làm việc cả ngày trong điều kiện như thế.
Là một người làm báo trong bối cảnh báo chí hiện đại ngày nay, tôi nghĩ bản thân cần phải kế thừa kinh nghiệm, truyền thống của các thế hệ làm báo đi trước đã gây dựng nên, đồng thời phải tích cực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, học hỏi, nâng cao kỹ năng làm báo hiện đại, từ đó đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới báo chí cũng như yêu cầu thông tin của bạn đọc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hoàng Hiệp