Bước vào không gian di tích Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, điều ấn tượng đầu tiên đối với mỗi khách tham quan chính là câu chuyện kể về Long sàng trước Nghi môn ngoại của Đền. Đây là hiện vật độc bản được tạo đặt từ đầu thế kỷ XVII, khoảng từ năm 1599 đến 1608, là hiện vật tiêu biểu cho đồ trọng khí trong không gian thờ cúng của người Việt, biểu trưng cho vương quyền của triều đình phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Ninh Bình, người có nhiều năm dành sự tâm huyết và gắn bó với việc nghiên cứu lịch sử vùng đất quê hương Ninh Bình, cho biết: Long sàng trước Nghi môn ngoại Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo có một không hai ở nước ta với nghệ thuật trang trí nhiều ý niệm và giàu chất nhân văn, là nơi lưu giữ các tầng bậc văn hóa truyền thống của người Việt.
Long sàng được tạo tác từ một khối đá xanh nguyên khối, có dạng hình hộp chữ nhật, nặng khoảng 1,5 tấn, tượng trưng cho bệ rồng lúc vua ngự triều. Hai bên Long sàng là hai nghê đá chầu có cùng niên đại và chất liệu. Mặt Long sàng hình chữ nhật, nằm ngang, có gờ chỉ bao quanh. Bề mặt của Long sàng được tạc nổi hình con rồng với dáng vẻ uy dũng, hai tay vịn là hai con rồng dáng vẻ thanh cao đang uốn mình trên tầng mây.
Chính điều này khiến cho khi trời mưa, nước sẽ đọng lại trên mặt Long sàng, làm nổi lên từng đường nét chạm khắc tinh tế. Hình rồng ẩn hiện như đang bơi trong nước, thể hiện rõ yếu tố bản địa của nền văn minh nông nghiệp lúa nước của người Việt. Căn cứ phong cách nghệ thuật trang trí và các văn bia ghi lại quá trình trùng tu Đền thờ, các nhà nghiên cứu bước đầu đã phỏng đoán: Long sàng này do chính nhân dân xã Trường Yên tạo tác, vào khoảng năm 1696.
Theo ông Nguyễn Cao Tấn, cách trang trí họa tiết trên Long sàng này có những nét khác biệt, thể hiện dấu ấn văn hóa truyền thống Việt Nam. Đó là kiểu rồng cuộn thời nhà Mạc hay thời Lê, thời Nguyễn thì chân rồng thường đạp ra ngoài, tạo khí thế hùng dũng. Nhưng hình rồng ở đây, ba trong bốn chi được nhân dạng hóa thành cánh tay người đều hướng vào trong, túm lấy sừng, râu và vây rồng, làm mình rồng bị vặn xoắn, bụng ngửa lên trên. Cổ rồng không rõ ràng mà bị râu và bờm che khuất.
Những họa tiết khác thường đó đã mở ra nhiều liên tưởng nghệ thuật độc đáo. Đó là chi tiết nhân dạng hóa chi rồng thành hình cánh tay nữ tính, thì nét chạm hai chi sau của rồng với dáng hình sư tử chân thực, dáng vẻ uy nghi hùng dũng… đã cho thấy biểu hiện rõ nét sự ảnh hưởng của mỹ thuật Chămpa lên mỹ thuật truyền thống của người Việt. Tạo hình cổ Việt Nam cũng không có truyền thống khai thác biểu cảm của các thế tay. Nhưng mỹ thuật truyền thống #n Độ và ảnh hưởng của nó ở Chămpa lại rất giỏi biểu đạt các yếu tố nữ tính, với thế tay mềm mại của các vũ nữ thần thánh.
Cùng với đó, sư tử trong mỹ thuật truyền thống Việt Nam và Trung Hoa mang tính ước lệ, khoa trương, không gần với thực tế; nhưng trong mỹ thuật Chămpa thì hiện lên rất sinh động, gần gũi với hình ảnh thực. Sự tiếp thu có chọn lọc nền văn hóa này đã làm giàu có thêm giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Thêm vào đó, cạnh phía chính diện Long sàng có ba dải hoa văn trang trí. Trên cùng là đồ án hoa văn lá đề chạm nổi, có gờ rủ xuống như rèm che. Cạnh phía sau và hai bên được trang trí cơ bản giống nhau với 3 tầng họa tiết khá độc đáo. Phần chân đế gồm 9 khối đá, có kích thước không đều nhau. Cả bốn phía của phần chân đế được trang trí hoa văn chạm nổi cơ bản giống nhau bằng đồ án dây leo cuốn và vân mây đao mác rất đối xứng.
Đây là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo với cách thức trang trí không giống bất kỳ một Long sàng nào ở nước ta từ trước đến nay. Tất cả các họa tiết được trang trí trên Long sàng đều được chạm khắc rất chi tiết, tỉ mỉ và độc đáo. Điều này khẳng định trí thông minh, óc sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa của những người thợ điêu khắc đá thế kỷ XVII khi tạo tác một bức tranh trên đá với nhiều ý nghĩa sâu xa, ẩn chứa nhiều thông điệp, ý niệm.
Long sàng trước Nghi môn ngoại và Long sàng trước Bái đường Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng là những hiện vật có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, thể hiện sự tiếp thu có chọn lọc và giao thoa văn hóa Việt Nam, Trung Hoa, ấn Độ và Chămpa, làm phong phú thêm cho nền mỹ thuật của dân tộc. Đây là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo với cách thức trang trí không giống bất kỳ một Long sàng nào ở nước ta từ trước đến nay. Với việc được lưu giữ và bảo tồn nguyên vẹn giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nét riêng biệt của người Việt, ngày 25 tháng 12 năm 2017, hai chiếc Long sàng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Hạnh Chi