Ngân hàng không thiếu vốn Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho thấy, tính đến hết 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 52.946 tỷ đồng, tăng 19,32% so cùng kỳ năm 2015 và tăng 8,47% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 10.928 tỷ đồng, chiếm 20,64%/tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp, tăng 13,57% so với đầu năm.
Dư nợ cho vay các dự án kinh tế lớn của tỉnh (Công ty xi măng Tam Điệp, Công ty cán thép Tam Điệp, Nhà máy xi măng Hướng Dương, Nhà máy xi măng Duyên Hà, Nhà máy xi măng The Vissai, Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng) đạt 4.139 tỷ đồng, chiếm 7,82%/tổng dư nợ của các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng đã có nhiều chương trình tín dụng ưu đãi dành cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ như chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp, chương trình bình ổn thị trường...
Theo đánh giá của ngành Ngân hàng, từ đầu năm đến nay, thanh khoản của các ngân hàng thương mại khá tốt. Các chi nhánh trên địa bàn cũng đang tích cực tìm kiếm khách hàng để tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch. Hàng loạt chi nhánh ngân hàng liên tục tung ra các gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi cho các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-8%/năm.
Ngân hàng SHB đã mở rộng chương trình cho vay với gói cho vay chứng minh năng lực tài chính đối với khách hàng thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 7-9%/năm và cao nhất với mức lãi suất 15%/năm đối với khách hàng không có tài sản đảm bảo.
Quy mô vốn dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Vietcombank cũng đã tăng từ 150 - 200%. Hay tại Agribank, mục tiêu cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ vay chiếm 30 - 40% tỷ trọng dư nợ, với lượng vốn tăng lên trên 100.000 tỷ đồng…
Ông Hoàng Đình Từ, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Hiện nay, các ngân hàng đều cho biết có nguồn vốn khá dồi dào, ngân hàng cũng đang mở rộng tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, những khách hàng mà ngành Ngân hàng hướng đến vẫn chỉ là những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp được đánh giá hạng A.
Trong khi đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp không ít khó khăn về vốn, cần có sự hỗ trợ để mở rộng sản xuất, kinh doanh nhưng chưa nhận được nhiều sự "đồng hành" từ phía các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận
Mặc dù ngân hàng đang tìm kiếm khách hàng để cho vay, tuy nhiên, trong thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay tiếp cận với nguồn vốn. Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp và ngân hàng chưa tìm được tiếng nói chung?
Chủ một doanh nghiệp sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ ở Yên Mô cho biết: Hiện doanh nghiệp đang rất cần vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Mặc dù đã "gõ cửa" một số ngân hàng thương mại nhưng đều bị từ chối vì tài sản của doanh nghiệp đã thế chấp hết, vay theo dự án thì rất khó khăn để đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, do đó lãi ít lại phải đi vay tín dụng đen để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nên chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn.
Lý giải cho việc một số doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, ông Lê Văn Hinh, Giám đốc Ngân hàng Công thương chi nhánh Tam Điệp cho biết, một trong những điểm yếu của doanh nghiệp vừa và nhỏ là không chứng minh được đầu ra bền vững, kế hoạch không rõ ràng, chỉ mang tính thời vụ... nên rất khó để ngân hàng xét duyệt cho vay: "Ngân hàng huy động vốn của người dân, kinh doanh phải có lãi, cho những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay nếu mất vốn thì ai chịu? Do vậy, rất nhiều trường hợp, ngân hàng đành phải từ chối"-ông Hinh nhấn mạnh.
Lãnh đạo một Chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng cho biết: Nguyên nhân một số doanh nghiệp vừa và nhỏ kêu khó tiếp cận vốn vay ngân hàng là do khả năng tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế, yêu cầu vốn ngân hàng tham gia vào dự án còn lớn.
Một số khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng không tiếp cận được vì không đáp ứng được các điều kiện vay vốn theo quy định như: Hạn chế về năng lực pháp lý, năng lực tài chính và quản trị, điều hành. Dự án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không khả thi, không có thị trường đầu ra cho sản phẩm, không xác định được chu kỳ luân chuyển vốn...
Ngoài ra, một số doanh nghiệp thương mại dịch vụ thường không có hợp đồng kinh tế, chưa tuân thủ chế độ kế toán thống kê. Một số doanh nghiệp thực hiện Luật Kế toán chưa nghiêm túc nên ngân hàng thiếu cơ sở để thẩm định, đánh giá và quyết định cho vay.
Về tài sản đảm bảo, lãnh đạo đa số các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều cho rằng: Hầu hết các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay ngân hàng là do không có tài sản đảm bảo để vay vốn theo quy định hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp, hầu hết tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay.
Mặt khác, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất còn chậm, nên gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thế chấp tài sản đảm bảo tiền vay.
Đánh giá về nguyên nhân của việc mở rộng tín dụng còn đang gặp nhiều khó khăn, ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh nhận định: Hiện nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh thường xuyên chỉ đáp ứng được khoảng trên 60% tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, trong đó nguồn vốn huy động ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn.
Các ngân hàng thương mại phải sử dụng 35-40% nguồn vốn huy động ngoại tỉnh và vốn điều hòa từ các tổ chức tín dụng cấp trên với mức lãi suất huy động cao để cho vay, do đó ảnh hưởng đến việc đầu tư tín dụng cho khách hàng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, một số ngành sản xuất gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Cá biệt một số doanh nghiệp nhỏ còn đang lúng túng trong việc xác định định hướng kinh doanh, năng lực quản trị điều hành hạn chế.
Các thông tin về tài chính của khách hàng, doanh nghiệp thường thiếu chính xác, hầu như các báo cáo tài chính của khách hàng, doanh nghiệp không được kiểm toán, gây khó khăn cho ngân hàng trong công tác thẩm định để xác định hạn mức cho vay.
Việc mở rộng tín dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các trang trại, gia trại, HTX cũng còn không ít khó khăn là do không đủ điều kiện vay vốn, việc xác định phân vùng phát triển kinh tế, nhất là phát triển kinh tế về cây trồng, vật nuôi, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn còn chưa cụ thể; công tác dồn điền, đổi thửa đã được triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn tự phát, thiếu tính liên kết.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Khôi, để khắc phục những khó khăn, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ngoài chính sách hỗ trợ về lãi suất, cần có các chính sách kích cầu, chính sách ưu đãi về thuế, thúc đẩy thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương.
Đồng thời có các giải pháp trọng yếu để phát triển thị trường vốn, cùng với nguồn vốn ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.
UBND tỉnh cũng cần chỉ đạo các sở, ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất để tạo kiều kiện cho doanh nghiệp, khách hàng có điều kiện vay vốn ngân hàng. Hỗ trợ ngân hàng trong việc công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch đảm bảo.
Phối hợp chặt chẽ với ngân hàng xử lý nợ xấu, đặc biệt là xử lý tài sản bảo đảm tiền vay của các doanh nghiệp, khách hàng không còn khả năng trả nợ ngân hàng nhằm đảm bảo quyền lợi của các tổ chức tín dụng, giảm nợ xấu và tạo điều kiện mở rộng tín dụng.
Nguyễn Thơm