Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Trường Thịnh cho biết: Thời điểm ban đầu đi vào sản xuất, kinh doanh ngoài một số yếu tố lợi nhuận thì doanh nghiệp gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, chưa có thị trường….. nhưng tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân của doanh nghiệp đã đoàn kết, nỗ lực, cố gắng, phát huy nội lực, đẩy mạnh và đưa hoạt động sản xuất dần dần ổn định. Trong sản xuất, doanh nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tập trung quản lý chặt chẽ đầu vào, tiết giảm hao phí nguyên, nhiên liệu, từ đó giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành sản phẩm. Về tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp tăng cường quảng bá tiếp thị, giới thiệu sản phẩm thông qua nhiều kênh khác nhau, có chính sách hậu mãi, chiết khấu hoa hồng cho các đơn vị, đại lý sử dụng sản phẩm với số lượng lớn. Do đó, hoạt động sản xuất của Doanh nghiệp ngày càng phát triển, chất lượng sản phẩm được nâng lên, thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng, doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2009, doanh thu của đơn vị mới đạt 2 tỷ đồng thì năm 2010 đã đạt 4 tỷ đồng. Năm 2011, đạt 8 tỷ đồng, tăng 4 tỷ đồng so năm 2010. Không dừng lại ở những gì đã đạt được, năm 2012 Doanh nghiệp đã đầu tư thêm 1 dây chuyền sản xuất với 18 máy dệt và máy kéo chỉ, nâng tổng số dây chuyền sản xuất lên 2 dây chuyền gồm 36 máy dệt sợi và 2 máy kéo chỉ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Doanh nghiệp đã tìm kiếm được các đơn hàng có số lượng lớn và có tính ổn định như cung ứng bao bì cho Nhà máy Đạm, phân lân…nâng doanh thu năm 2012 của doanh nghiệp đạt 16 tỷ đồng và phấn đấu năm 2013 đạt doanh thu khoảng 18 tỷ đồng.
Cùng với đẩy mạnh sản xuất, Doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến công tác dạy nghề, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho người lao động. Qua đó đã tạo niềm tin, giúp người lao động yên tâm lao động sản xuất, góp phần nâng cao doanh thu hàng năm của doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp giải quyết việc làm thường xuyên cho 50 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 2,7 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, Doanh nghiệp còn quan tâm chăm lo đến sức khỏe, nâng cao đời sống người lao động; khuyến khích người lao động tham gia đóng bảo hiểm với mức hỗ trợ 50%/tháng; tích cực tham gia các phong trào của địa phương như đóng góp quỹ khuyến học, khuyến tài và các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa ở địa phương.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm: Mặc dù năm 2013, các Doanh nghiệp đã được tiếp cận với các chính sách và các gói hỗ trợ của Nhà nước nhưng đây vẫn là một năm đầy khó khăn, nhất là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Do đó để đạt được kế hoạch đã đề ra, giải quyết tốt vấn đề việc làm, thu nhập cho lao động địa phương, trong thời gian tới, Doanh nghiệp tập trung thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm ở mọi khâu sản xuất nhằm mục đích giảm giá thành sản phẩm, tạo cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh phía Tây Bắc, phục vụ nhu cầu các mặt hàng nông sản như ngô, sắn… Đối với người lao động, Doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để người lao động phát huy tính sáng tạo và năng lực trong sản xuất, đảm bảo thu nhập ổn định và các chế độ chính sách khác.
Bài, ảnh: Hồng Giang