Công ty TNHH Ninh Bình-Enter. B (phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình) có 100% vốn đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động từ năm 2013. Với nhận thức người lao động là nhân tố quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp nên những năm qua, Công ty có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác chăm lo đời sống cho người lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chăm sóc sức khỏe và nâng cao thu nhập cho người lao động, đặc biệt là tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, do đó, ngay từ khi mới đi vào hoạt động, Công ty đã quan tâm đầu tư và chú trọng thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN.
Bà Trịnh Thị Tâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, do đặc thù của ngành may mặc là môi trường làm việc chịu nhiều tác động của các yếu tố như bụi, tiếng ồn, ánh sáng và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Để hạn chế ảnh hưởng của những yếu tố này đối với người lao động, ngay từ khi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Công ty đã thiết kế nhà xưởng thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, đảm bảo các yêu cầu về phòng chống cháy nổ, thiết kế lối thoát hiểm… Công ty cũng đầu tư máy may điện tử công nghiệp theo công nghệ hiện đại của châu Âu, có năng suất, chất lượng và độ an toàn cao; bố trí các dây chuyền may hợp lý, đầu tư hệ thống thiết bị thông gió, hút bụi làm giảm nhiệt độ trong nhà xưởng từ 4-5 độ C so với nhiệt độ ngoài trời và giảm thiểu bụi, tiếng ồn trong quá trình sản xuất.
Ngoài ra, Công ty còn trang bị hệ thống ánh sáng đúng tiêu chuẩn nhằm đảm bảo đủ ánh sáng cho người lao động. Để công tác ATVSLĐ-PCCN đi vào nền nếp, Công ty đã sớm thành lập Hội đồng bảo hộ lao động, thiết lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên bố trí ở tất cả các dây chuyền may và các bộ phận sản xuất. Những an toàn vệ sinh viên được phân công nhiệm vụ cụ thể và duy trì nền nếp, hiệu quả theo nội quy, quy chế. Hàng năm, Hội đồng bảo hộ lao động tham mưu với Giám đốc Công ty xây dựng và triển khai kế hoạch, biện pháp đảm bảo ATVSLĐ-PCCN; xây dựng và hoàn thiện nội quy lao động; thường xuyên tuyên truyền nội quy, quy chế làm việc cũng như công tác ATVSLĐ-PCCN tới từng cán bộ, công nhân lao động. Qua đó, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác thực hiện các biện pháp ATVSLĐ-PCCN cho người lao động... Với sự quan tâm đầu tư và thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN, nhiều năm qua, Công ty đã không để xảy ra tai nạn lao động, không có công nhân mắc bệnh nghề nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng phòng Việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thì thành công lớn nhất trong công tác ATVSLĐ-PCCN của tỉnh ta trong năm qua đó chính là sự chuyển biến rõ nét về ý thức đảm bảo ATVSLĐ-PCCN của lãnh đạo các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài nhà nước. Thể hiện rõ nhất là tại các lớp tập huấn về công tác an toàn lao động do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban quản lý các KCN tổ chức hàng năm đã thu hút sự quan tâm, tham gia đầy đủ của các lãnh đạo, cán bộ, người trực tiếp làm công tác lao động tại các doanh nghiệp. Tại các lớp tập huấn, học viên không chỉ lắng nghe mà còn đưa ra các ý kiến thảo luận sôi nổi. Thông qua tập huấn, lãnh đạo các doanh nghiệp đã áp dụng tốt công tác ATVSLĐ vào đơn vị mình như: Trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị làm việc, đảm bảo an toàn trong lao động; tổ chức tuyên truyền cho người lao động nghiêm túc chấp hành các biện pháp về an toàn lao động nhằm tránh tai nạn lao động có nguy cơ xảy ra tại doanh nghiệp. Các đơn vị cũng chủ động lên kế hoạch duy trì thực hiện các hoạt động ATLĐ như: Tự kiểm tra ATVSLĐ, tổng hợp theo quý; duy tu, bảo dưỡng, thay thế các trang thiết bị PCCN đảm bảo đạt chuẩn; định kỳ giám sát chất lượng môi trường lao động, báo cáo cơ quan có thẩm quyền; định kỳ khám sức khỏe cho người lao động; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATLĐ và nội quy ATLĐ đối với các lao động mới được tuyển dụng…
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, mở các lớp tập huấn, các cơ quan chuyên môn còn tích cực hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp về việc xác định, lựa chọn công nghệ, máy móc thiết bị phù hợp với công việc theo tiêu chuẩn đảm bảo ATVSLĐ. Điển hình, như trong năm 2016, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội còn huấn luyện, tư vấn và hỗ trợ 250 doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ; tập huấn nghiệp vụ giám định phục hồi chức năng; huấn luyện người làm nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, huấn luyện cán bộ an toàn lao động… Cùng với đó, Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác ATVSLĐ không ngừng được kiện toàn và nâng cao năng lực. Nhờ đó, đã thay việc chỉ cảnh cáo các đơn vị vi phạm ATVSLĐ như các năm trước bằng việc quyết định xử phạt hành chính, thậm chí là ngừng hoạt động những đơn vị vi phạm nghiêm trọng về ATVSLĐ… Với những nỗ lực đó, trong năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 24 vụ tai nạn lao động (giảm 17 vụ so với năm 2015), làm 2 người chết (giảm 4 người so với năm 2015).
Tuy đã đạt được những kết quả tích cực, song trên thực tế công tác ATVSLĐ vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi nhiều hơn nữa sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp. Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Tháng ATVSLĐ thay vì Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ như những năm trước đó. Xác định đây là cơ hội để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATVSLĐ, các cấp, các ngành, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh đã thực hiện nghiêm túc trên cơ sở điều kiện thực tế của mỗi cơ quan, đơn vị. Ban chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cơ sở có sử dụng người lao động làm việc trong điều kiện có nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động, các công việc liên quan đến hàn cắt kim loại, các công trình xây dựng, khai thác khoáng sản tập trung đẩy mạnh các hoạt động theo chủ đề của Tháng an toàn vệ sinh lao động "Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp". Từ đó, mỗi cơ quan, đơn vị đã đề ra được kế hoạch hành động để đảm bảo ATVSLĐ, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Đào Hằng