Ông Phạm Quang Huy xuất thân từ vùng nông thôn Định Hóa (Kim Sơn), nên ông thấu hiểu những nỗi vất vả khó khăn của những con người nơi đây. Trải qua nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực khác nhau như giảng viên dạy nghề công ty may Xuất khẩu Ninh Bình, Xí nghiệp may Vạn Xuân II, sau đó dạy học ở Trung tâm giới thiệu việc làm. Nhưng với tâm huyết hướng về quê hương, hướng về những người dân nghèo.
Ông nói "Đi cũng nhiều, làm cũng nhiều ở các cương vị khác nhau, đến lúc nào đó mình phải có cái gì đấy cho quê hương. Tôi thấy người nông nhàn ở đây quá nhiều mà lại không có việc làm để tăng thu nhập, nên tôi có ý định thành lập doanh nghiệp may để giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân".
Năm 2003, ông đã thành lập doanh nghiệp may lấy tên Doanh nghiệp tư nhân may xuất khẩu Xuân Xanh với vốn pháp định là 300 triệu đồng. Ông đầu tư 25 máy may đặt tại xã Định Hóa, thu hút những lao động nhàn rỗi, chủ yếu là chị em không thể đi xa kiếm việc làm. Đầu tiên ông mở các lớp học cắt may, những chị em nào đã biết chút ít về nghề may thì chỉ sau một tháng, những chị em nào giỏi hơn chỉ cần 10 ngày có thể làm hợp đồng và làm việc ngay. Còn những ai chưa biết gì về nghề may thì ông dạy từ những kỹ thuật cơ bản nhất, chỉ sau 3 tháng là có thể làm việc kiếm tiền. Sau các khóa đào tạo ông đã có một đội ngũ công nhân chuyên may các mặt hàng xuất khẩu. Với những mối quan hệ có sẵn sau bao nhiêu năm lăn lộn trong nghề, ông dễ dàng tìm được các đầu mối làm ăn. Do vậy ông chỉ lo công nhân không có sức mà làm, còn việc thì lúc nào cũng nhiều.
Sau vài năm doanh nghiệp của ông làm việc rất hiệu quả, giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho nhiều người nghèo, mỗi tháng thu nhập từ 500.000 - 600.000 đồng. Nhưng cũng sau một thời gian, một số công nhân cũng mạnh dạn đứng ra mở các cở sở may riêng, có người đã mở tới 5 cơ sở may và thu hút một lượng lớn công nhân của doanh nghiệp.
Vừa thành lập doanh nghiệp nhưng ông vẫn đi làm, đi dạy ở các trung tâm dạy nghề và các công ty lớn. Công việc bận rộn, cùng với hoàn cảnh lúc đó, ông quyết định thu hẹp doanh nghiệp chỉ để lại 10 máy may và duy trì đến năm 2007. Trong một thời gian làm ở Thanh Hóa, qua tìm hiểu ông thấy ở đây họ cũng chỉ có 10 máy khâu mà họ làm áo học đường rất hiệu quả. Do vậy khi nghỉ hưu, ông đã chuyển hoạt động của doanh nghiệp sang may áo học đường cho những trường trung học, tiểu học.
Ngày 1/5/2008, Doanh nghiệp chuyển xuống đặt cơ sở tại tầng hai của UBND xã Kim Đông. Hiện tại ông đã ký hợp đồng may áo học đường cho khoảng 10 trường học ở Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải, và một số trường ở Nga Sơn (Thanh Hóa). Theo ông công việc may áo học đường rất phức tạp không đơn giản như may hàng xuất khẩu (cùng một mã, số đo giống nhau), còn may áo học đường mỗi cháu một số đo nên vừa phải làm công nghiệp vừa làm thủ công mới có thể hoàn chỉnh.
Ông nói, "công việc tiếp tục như thế này thì đủ việc làm cho 50 người, công việc cứ quay vòng vì học sinh mỗi năm lại lớn lên". Ông chọn Kim Đông để đặt cơ sở may vì Kim Đông là xã nằm giữa các xã ven biển, lại có bến xe nên rất thuận tiện cho việc đi lại và chuyên trở hàng hóa. Chỉ cần gọi điện có thể mua được một số lượng lớn vải và chỉ, chủ hàng gửi qua xe, không cần mất công đi lại tốn kém.
Từ khi chuyển cơ sở, doanh nghiệp đã có 13 công nhân may và 17 học viên đang học may chủ yếu là hội viên hội phụ nữ và thanh niên của ba xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải. Lương bình quân tháng đầu tiên của mỗi công nhân là 450.000 đồng, nhưng từ tháng thứ hai năng suất sẽ tăng lên và lương bình quân đạt 600.000 đồng/người/tháng, người cao có thể đạt 850.000 đồng, thấp nhất là 540.000 đồng. Những đồng lương này tuy không nhiều lắm nhưng đã góp phần giảm bớt khó khăn bước đầu giúp chị em tự tin gắn bó với nghề đã chọn.
Công nhân của doanh nghiệp được ký hợp đồng, sau thời gian 3 năm sẽ được ký lại, được đảm bảo quyền lợi theo pháp luật Nhà nước, sau ba tháng được đóng Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm xã hội. Công nhân làm việc 8 tiếng một ngày, được nghỉ ngày chủ nhật và thứ 7 nghỉ từ 4 giờ chiều.
Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ cố gắng mở rộng thị trường bằng cách nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với túi tiền của những người dân nghèo. Doanh nghiệp sẽ đầu tư thêm 20 máy mới, nâng số máy may của doanh nghiệp lên 50 chiếc, tạo việc làm cho trên 50 công nhân. Trước mùa mưa bão, doanh nghiệp phải chuyển sang cơ sở khác để ổn định sản xuất vì cơ sở hiện tại không đảm bảo.
Ông tâm sự: "Với năng lực hiện nay thì doanh nghiệp không thể xây mới cơ sở và đầu tư nhiều máy móc. Do vậy rất mong nhận được sự hỗ trợ về vốn, trang thiết bị của các tổ chức, ban ngành để có thể mở rộng hoạt động sản xuất. Hiện tại có rất nhiều thanh niên và phụ nữ ở Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải không có công ăn việc làm, rất mong muốn được làm cho doanh nghiệp".
Hương Giang