Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đinh Quốc Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Giấy Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp nhỏ & vừa thành phố Ninh Bình Phóng viên (P.V): Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, thời gian qua Công ty có những giải pháp gì để mở rộng thị trường.
Đồng chí Đinh Quốc Chiến (Đ.Q.C): Để duy trì và phát triển trong nền kinh tế thị trường, Công ty giấy Tiến Dũng đã xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế để tăng doanh thu, lợi nhuận tăng thu nhập cho người lao động. Công ty đã đầu tư trên 30 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất với trên 600 m2 nhà xưởng, dây chuyền sản xuất giấy và bao bì cotton hiện đại, theo tiêu chuẩn của quốc tế. Hàng năm thường xuyên cải tiến công nghệ sản xuất giấy, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để tạo ra những mặt hàng mới, chất lượng cao để cạnh tranh trên thị trường và phù hợp với thị hiếu khách hàng. Đến nay, sản phẩm của Công ty đã đứng vững trên thị trường các tỉnh phía Bắc từ Thanh Hóa đến Hà Nội, Thái Nguyên, Tuyên Quang và xuất khẩu trực tiếp sang Hàn Quốc. Đến hết tháng 9/2008, Công ty đạt doanh thu gần 20 tỷ đồng, xuất khẩu được trên 100 tấn sản phẩm xuất khẩu đạt trên 50 nghìn USD. Sản xuất kinh doanh phát triển đã tạo việc làm cho 150 công nhân tại Công ty, với mức thu nhập bình quân 1.500.000 đồng/người/tháng và 700 lao động thời vụ.
P.V: Trước biến động của kinh tế thế giới và trong nước, Công ty đã xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh như thế nào ?
Đồng chí Đ.Q.C: Do sự biến động liên tục của giá cả thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, như lãi suất tiền vay tăng cao, giá xăng dầu tăng, chi phí công lao động tăng... Để tồn tại và phát triển, đảm bảo việc làm, đời sống cho người lao động, đòi hỏi doanh nghiệp phải tự đổi mới vươn lên một cách toàn diện. Về mặt hàng, Công ty tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất- xuất khẩu mặt hàng truyền thống như bao bì cotton và giấy vệ sinh các loại…
Vận hành máy cán giấy tại Công ty TNHH Giấy Tiến Dũng. Ảnh: Thế Minh
Mặt khác, Công ty tập trung nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đáp ứng thị hiếu của khách hàng và nâng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt là quan tâm đến chất lượng vệ sinh công nghiệp của mặt hàng xuất khẩu. Thực hiện tiết kiệm tối đa chi phí và quản lý, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất các sản phẩm để đưa ra thị trường những sản phẩm có giá rẻ nhưng chất lượng cao. Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, tiếp thị giới thiệu sản phẩm nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, Công ty chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác thị trường có năng lực chuyên môn giỏi, am hiểu thị trường để đưa ra những sản phẩm chào hàng phù hợp. Mở các lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho công nhân nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập. Dự kiến năm 2009, Công ty tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thêm 1 dây chuyền giấy Garat công suất 3.500 tấn/năm và dây chuyền sản xuất bột giấy từ nguyên liệu rơm rạ…tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần đưa Công ty ngày càng phát triển.
P.V: Với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thành phố, đồng chí có đóng góp gì vì sự phát triển của Hiệp hội ?
Đồng chí Đ.Q.C: Trong những năm qua, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô sản xuất kinh doanh với trên 400 doanh nghiệp, trong đó có 40% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thương mại - dịch vụ giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động và tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Với cương vị là Chủ tịch Hiệp DNNVV Thành phố Ninh Bình, trong năm qua, tôi đã cùng với Hiệp hội thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp với chính quyền địa phương, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, nhất là về vốn, mặt bằng mở rộng sản xuất. Hiệp hội đã phối hợp với UBND thành phố và Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa mở lớp tập huấn về quản lý, kinh nghiệm maketting, kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp; mở hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và ngành thuế nhằm giải quyết những vướng mắc về những thay đổi trong luật thuế. Tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia các cuộc hội thảo như hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc, gặp gỡ trực tiếp với các doanh nghiệp Trung Quốc để tìm kiếm bạn hàng và cơ hội hợp tác đầu tư; tham gia các diễn đàn doanh nghiệp thời kỳ hội nhập ở một số tỉnh bạn và đi tham quan, học tập kinh nghiệm quản lý kinh doanh, cách tổ chức dịch vụ tại Thái Lan…
Qua các hoạt động đó đã giúp các doanh nghiệp mở rộng tầm nhìn và xây dựng cho mình định hướng chiến lược kinh doanh phù hợp. Từng bước thiết lập và xây dựng mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trên địa bàn, nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố ngày càng phát triển.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Chiên (thực hiện)