Sức hút thị trường nội tỉnh Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình (Niferco) là một trong những doanh nghiệp của tỉnh tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Được chuyển đổi từ Công ty Nhà nước sang Công ty cổ phần, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp từ năm 2005, chính vì thế Ban giám đốc Công ty luôn xác định chất lượng và uy tín sản phẩm là mối quan tâm hàng đầu.
Việc đầu tư vào công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới cũng như các sáng kiến cải kiến kỹ thuật được Công ty chú trọng, không ngừng đầu tư chiều sâu nhằm tiết kiệm vật tư nhiên liệu, giảm chi phí trong sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Ông Phạm Mạnh Ninh, Giám đốc Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình cho biết, với việc từng bước đầu tư, đến nay, công nghệ sản xuất các sản phẩm phân bón mà Niferco sử dụng là tiên tiến so với trong nước và khu vực, năng lực sản xuất 300.000 tấn phân lân nung chảy và 150.000 tấn NPK/năm.
Hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Công ty chú trọng phát triển kênh phân phối thông qua mở rộng đại lý bán hàng cấp I, II ở các tỉnh, thành phố.
Đặc biệt, để người tiêu dùng Ninh Bình tin tưởng vào sản phẩm của doanh nghiệp trong tỉnh, thúc đẩy việc tiêu thụ nội tỉnh, từ năm 2001-2011, Công ty liên tục tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sử dụng phân bón và các mô hình khảo nghiệm.
Đồng thời Công ty cũng áp dụng phương thức bán hàng linh hoạt theo từng mùa vụ, giúp cho bà con nông dân có nhiều cơ hội sử dụng sản phẩm của Công ty.
Với những nỗ lực khẳng định thương hiệu phân bón Ninh Bình trên địa bàn toàn quốc nói chung và trong tỉnh nói riêng, doanh nghiệp đã tạo được niềm tin với người nông dân. Đến nay, sản phẩm của Công ty đã có mặt ở 56 tỉnh, thành phố.
Riêng ở Ninh Bình, thị phần phân bón Ninh Bình đã chiếm khoảng 60% sản lượng tiêu thụ phân bón trong toàn tỉnh. Giám đốc Phạm Mạnh Ninh chia sẻ: "Tôn trọng người tiêu dùng bằng cách sản xuất ra những hàng hóa đáp ứng được về chất lượng, giá cả và thái độ bán hàng, thì người tiêu dùng chắc chắn sẽ đồng hành cùng hàng Việt".
Cùng hướng đi với Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa của Ninh Bình đã nhận thấy lợi thế của mình trên "sân nhà" nên tích cực mở rộng tiêu thụ hàng hóa ở thị trường nội tỉnh như Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình… đã xây dựng hệ thống siêu thị mini để giới thiệu sản phẩm và khai thác thị trường bán lẻ trong tỉnh.
Hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trong tỉnh cũng đã nâng cao tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống bán buôn và bán lẻ của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH trên địa bàn đã hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động này bằng hình thức giảm giá, tặng quà, quảng cáo thương hiệu Việt nằm trong hệ thống của đơn vị.
Các nhà phân phối trên địa bàn cũng đã tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thực hiện tốt chính sách khuyến mại, giảm giá, tặng quà khi mua sản phẩm.
Kết quả 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã thực hiện 1.071 chương trình khuyến mại bằng nhiều hình thức như: tặng quà, gửi hàng dùng thử, giảm giá… với tổng trị giá hàng hóa dùng để khuyến mại đạt trên 598 tỷ đồng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp hàng năm đều hưởng ứng tham gia bán hàng bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán để gắn kết chặt chẽ với các giải pháp bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Có thể thấy, cuộc vận động đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và giúp người dân mua được hàng hóa với giá cả ổn định, tránh hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng.
Tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước
Thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nhằm giúp cho người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, nhất là ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng thương mại khu vực nông thôn.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào cuộc vận động, Sở Công thương đã trình UBND tỉnh phê duyệt các quy hoạch ngành, lĩnh vực như: quy hoạch phát triển thương mại, quy hoạch phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ, tạo điều kiện cho các thương nhân buôn bán phát triển hệ thống phân phối rộng khắp trong toàn tỉnh.
Sở Công thương cũng phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, quản lý, khai thác chợ trên địa bàn để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, khai thác chợ. Tính riêng trong năm 2015, toàn tỉnh đã đầu tư xây mới 5 chợ với tổng vốn đầu tư 8,34 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sở cũng đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khảo sát, đầu tư xây dựng các mô hình kinh doanh hiện đại như Trung tâm thương mại, siêu thị…, từng bước hình thành hệ thống kinh doanh thương mại hiện đại.
Huy động các nguồn vốn hợp pháp để xây dựng các mô hình kinh doanh thí điểm, tạo hiệu ứng mạnh để khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam, góp phần hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Cùng với công tác quy hoạch mạng lưới thương mại, Sở Công thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung kiểm tra các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng giả, vi phạm trong lĩnh vực giá, đo lường chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm…, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas trong thời điểm có biến động về giá; tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Kết quả trong 9 tháng đầu năm, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 1.694 vụ việc, xử lý 855 vụ, tổng số tiền thu phạt đạt trên 3,7 tỷ đồng. Qua đó góp phần làm lành mạnh thị trường, ổn định giá cả hàng hóa, tạo điều kiện cho hàng Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Nguyễn Thơm