Doanh thu của các doanh nghiệp mỗi năm đạt hàng chục nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã thu hút, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho khoảng 70.000 - 80.000 lao động, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí Phạm Xuân Mược, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh cho biết: Từ khi Việt Nam gia nhập WTO đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tự do thương mại, dỡ bỏ các rào cản, không có sự phân biệt đối xử và cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp cả nước nói chung và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng phát huy tốt lợi thế, tiềm năng, nguồn lực của mình; đồng thời lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp để phát triển trong cơ chế thị trường.
Để khẳng định mình trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp đã không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại, xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược cạnh tranh phù hợp vời tình hình thực tế. Tiếp tục giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã và xây dựng thương hiệu, uy tín trên thị trường. Không ngừng mở rộng sản xuất các mặt hàng mũi nhọn truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường ổn định và mở rộng mặt hàng mới, ngành nghề mới để tăng doanh thu, lợi nhuận và thu nhập cho người lao động.
Tập trung đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, cách quản lý, tăng cường công tác xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn giỏi, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho công nhân đáp ứng yêu cầu hội nhập... Nhờ lựa chọn được những bước đi vững chắc đã giúp các doanh nghiệp ngày càng phát triển và đứng vững trong cơ chế thị trường.
Sau hơn 2 năm thực hiện cam kết gia nhập WTO, các doanh nghiệp Ninh Bình đã có nhiều cố gắng trong việc tận dụng cơ hội của việc hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên vẫn còn bộc lộ một số điểm yếu cần khắc phục.
Để giúp các doanh nghiệp phát triển trong thời kỳ hội nhập, các cấp, các ngành cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện cam kết WTO. Triển khai thực hiện chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và sử dụng quỹ khuyến công đạt hiệu quả cao nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu tư công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa của tỉnh. Tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng quản trị doanh nghiệp, kỹ năng mở rộng thị trường và quảng bá giới thiệu sản phẩm hàng hóa. Xây dựng trung tâm tư vấn, đào tạo, xúc tiến thương mại để giúp doanh nghiệp phát triển.
Các doanh nghiệp cần chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nhận thức về pháp luật trong nước và quốc tế. Cần tiếp tục đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, tư duy để thích nghi với môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế. Chủ doanh nghiệp phải nhận thức một cách rõ ràng về thời cơ cũng như thách thức của thị trường để xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm và phát triển nguồn nhân lực cho phù hợp với quy mô của doanh nghiệp và tình hình thực tế, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và đứng vững trong cơ chế thị trường.
Thanh Chiên