Lượng khách giảm mạnh
Toàn tỉnh hiện có khoảng 600 cơ sở kinh doanh lưu trú, gần 20 công ty lữ hành và hơn 10 công ty quản lý các điểm du lịch trong tỉnh. Mùa cao điểm của du lịch Ninh Bình là 3 tháng đầu năm với lượng khách mỗi ngày lên đến hàng chục vạn lượt người. Tuy nhiên, thời điểm này lượng khách du lịch đến Ninh Bình ước tính giảm trên 70%, có những ngày giảm trên 80%, ngày thấp điểm chỉ còn khoảng 1.000 khách. Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến cỗ máy hoạt động của hệ thống các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, nhà hàng và lữ hành.
Những năm trước thời điểm này trên tuyến đường Tràng An, Bái Đính hàng trăm nhà hàng với quy mô lớn, nhỏ vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của du khách thập phương. Tuy nhiên từ đầu tháng 2 đến nay, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng khách đi du lịch giảm nhanh chóng khiến tất cả các nhà hàng đều rơi vào tình trạng vắng khách, thậm chí nhiều nhà hàng đóng cửa. Anh Trần Văn Hưng, chủ một nhà hàng ở xã Gia Sinh, Gia Viễn cho biết: Hàng năm chúng tôi tập trung làm 3 tháng đầu năm, doanh thu mỗi ngày hàng chục triệu đồng. Nhà hàng không đủ bàn để tiếp khách. Năm nay, nhà hàng mở cửa từ mùng 3 Tết nhưng chỉ được mấy ngày thì chính quyền thông báo về dịch bệnh Covid-19. Sau khi biết có dịch, tôi xem trên các phương tiện thông tin đại chúng thấy đây là dịch bệnh hết sức nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh vì thế dù lượng khách chưa giảm hẳn nhưng gia đình tôi vẫn quyết định đóng cửa không phục vụ du khách để tránh nguy cơ lây lan bệnh dịch đến gia đình cũng như địa phương.
Đối với các nhà hàng, cơ sở kinh doanh lưu trú nhỏ theo quy mô gia đình thì việc đóng cửa không ảnh hưởng nhiều, nhưng đối với khách sạn lớn thì đây là thời điểm thực sự khó khăn do ít khách. Là một trong nhưng doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng- khách sạn của tỉnh nhưng thời điểm này lượng khách của khách sạn Hoàng Sơn cũng giảm đến 80%, đặc biệt là khách châu á và khách trong nước. Ông Hoàng Văn Sựng, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hoàng Sơn cho biết: Doanh nghiệp có trên 200 lao động, vào thời điểm khó khăn này chúng tôi vẫn quyết tâm không để nhân viên phải nghỉ việc, đảm bảo mức lương như thỏa thuận để người lao động yên tâm làm việc. Tôi cho rằng đây là giai đoạn "lửa thử vàng" đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp không khói này. Giai đoạn này doanh nghiệp sẽ củng cố, sửa chữa hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ nhân viên, thu hút những nhân viên tốt để chuẩn bị đón khách ngay sau khi hết dịch. Khách sạn cũng thực hiện đầy đủ khuyến cáo của ngành Y tế về đảm bảo vệ sinh phòng bệnh cho khách như: trang bị khẩu trang dùng 1 lần, nước rửa tay khô cho du khách, khử trùng phòng trước khi đón khách và khử trùng ngay sau khi trả khách…
Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp duy trì bộ máy nhân sự với mức lương giảm so với thông thường có thể sẽ không bền vững nếu dịch bệnh kéo dài. Bởi, thu nhập thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, buộc người lao động phải tìm cách để cải thiện. Do đó, các doanh nghiệp đều mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành và các ngân hàng có chính sách hỗ trợ thiết thực như: giãn nợ, khoanh nợ, miễn, giảm tiền điện nước, tiền thuê đất, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, nới lỏng chính sách visa, giảm lãi suất…
Giữ vững thương hiệu du lịch Ninh Bình
Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân cũng như nền kinh tế. Trong đó ngành Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất. Nhiều khách sạn, nhà hàng lớn trong tỉnh phải hoạt động cầm chừng, thậm chí chấp nhận lỗ để duy trì lao động. Còn đối với các nhà hàng, cơ sở lưu trú nhỏ theo quy mô gia đình nhiều nơi đã tạm nghỉ. Các công ty lữ hành chấp nhận thiệt hại đã hủy tất cả các tour đến từ vùng dịch.
Để giảm thiểu những thiệt hại cũng như nguy cơ dịch bệnh lây lan trong tỉnh, Sở Du lịch đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch do Covid-19 trong lĩnh vực du lịch. Theo đó yêu cầu tất cả các nhân viên trong ngành phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với du khách. Sở tiến hành dán các poster hướng dẫn cách phòng chống dịch của Bộ Y tế, phát khẩu trang miễn phí và bố trí bàn có nước rửa tay sát khuẩn tại các điểm du lịch, nhà ga, bến xe, các nhà hàng, khách sạn. Chỉ đạo các khách sạn, công ty lữ hành theo dõi những du khách có biểu hiện sốt, ho... để thông báo với cơ quan chức năng.
Một trong những giải pháp được Sở đưa ra là yêu cầu các cơ sở kinh doanh du lịch vẫn giữ tốt chất lượng phục vụ. Trong khoảng thời gian này các doanh nghiệp cũng cần tranh thủ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng nguồn nhân lực để chuẩn bị tâm thế đón khách sau khi hết dịch. Đặc biệt, năm nay là năm tỉnh Ninh Bình sẽ tổ chức Năm Du lịch quốc gia, sau dịch lượng khách đến Ninh Bình sẽ tăng trở lại vì vậy toàn ngành cần làm tốt công tác chống dịch và giữ vững thương hiệu để tạo niềm tin đối với du khách trong và ngoài nước.
Đồng thời Sở Du lịch khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh tìm kiếm ở thị trường mới, chú trọng thị trường các nước châu Âu, Mỹ, úc, MICE nội địa... Sở cũng sẽ tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp xoay chuyển sản phẩm và thị trường nhanh chóng, linh hoạt, tăng cường các giá trị tiện ích, trong đó ưu tiên hàng đầu là sự an toàn của du khách.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm