Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương Việt Nam không chỉ là văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với giới công thương, mà còn là sự cổ vũ lớn lao cho giới công thương vượt qua những khó khăn trước mắt, cùng toàn dân tham gia công cuộc bảo vệ, kiến thiết đất nước trong những năm tháng chiến tranh cũng như khi hòa bình lập lại.
Những kỳ tích chúng ta đạt được về kinh tế trong thời kỳ đổi mới và hội nhập đã tạo nên diện mạo mới trên khắp mọi miền Tổ quốc. Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hệ thống pháp luật về doanh nghiệp ngày càng được hoàn thiện, nhất là Luật Doanh nghiệp ban hành đã mở đường cho hàng vạn doanh nghiệp ra đời và lớn mạnh.
Cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các doanh nhân đã thể hiện tính năng động, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đang ngày càng khẳng định vai trò tiên phong, xung kích trong phát triển kinh tế.
Đội ngũ doanh nhân đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Nhiều doanh nhân đã tích cực tham gia các chương trình xã hội, chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, gắn bó hơn với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội trong việc góp phần phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo đề nghị của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các Hiệp hội Doanh nghiệp, ngày 20-9-2004 nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990 cho phép lấy ngày 13-10 hàng năm làm Ngày truyền thống Doanh nhân Việt Nam.
Trong những năm qua, cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền các cấp tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện phát huy tiềm năng và vai trò tích cực của doanh nhân trong phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng đầu tư.
Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Ninh Bình đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu, quy mô; lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh đã được nâng cao.
Năm 1992, năm đầu tái lập tỉnh mới có 285 doanh nghiệp. Đến nay trên địa bàn tỉnh có trên 4.500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, tăng 15,8 lần so với năm 1992, với tổng số vốn đăng ký trên 180.000 tỷ đồng. Trong đó doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 39%; lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 12%; lĩnh vực dịch vụ, thương mại và lĩnh vực khác chiếm 49%.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp 8 tháng đầu năm 2015 đã đóng góp cho ngân sách tỉnh 1.998 tỷ đồng (chiếm 85% tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí trên địa bàn), giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 150.000 lao động.
Một số doanh nghiệp như: Tập đoàn Xuân Thành, Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Tập đoàn Cường Thịnh Thi ... là những doanh nghiệp có quy mô lớn, sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động làm việc và phát triển với tốc độ nhanh. Hàng năm nhiều doanh nghiệp được bình chọn trong tốp doanh nghiệp tiêu biểu trong cả nước, nhiều doanh nhân được phong tặng các danh hiệu cao quý.
Bên cạnh việc chú trọng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp đã quan tâm và có những đóng góp quan trọng vào việc tham gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và thực hiện các chính sách xã hội khác trên địa bàn với số tiền ủng hộ mỗi năm trên 20 tỷ đồng.
Những đóng góp của doanh nhân, doanh nghiệp đang tiếp tục được Đảng và nhân dân ghi nhận, tôn vinh trong Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị "Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế".
Hiểu rõ tầm quan trọng và vai trò của đội ngũ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thời gian qua các cấp ủy đảng, chính quyền và các sở, ban, ngành của tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để phát huy năng lực của đội ngũ doanh nhân.
Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ kỹ thuật, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường; trợ giúp phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; khuyến khích phát triển doanh nghiệp khu vực nông nghiệp nông thôn, gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ du lịch nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Trong thời gian tới, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/BCSĐ ngày 21-01-2015 về đẩy mạnh công tác cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 09-NQ/BCSĐ ngày 21-01-2015 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước năm 2015 và Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 28-07-2015 về triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 13-02-2015 của Chính phủ và Chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015, 2016 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Về phía cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân: Trong thời gian tới, trước yêu cầu mới của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đội ngũ doanh nhân phải nỗ lực, đón nhận cả cơ hội và thách thức, phải đề cao tinh thần dân tộc, đạo đức, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội; phải chăm lo lợi ích đất nước, lợi ích của người lao động.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt những vướng mắc, khó khăn, bất cập để phản ánh với cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ kịp thời; thu thập ý kiến của các doanh nghiệp về phản biện chính sách; thường xuyên tổ chức gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp để giúp tiêu thụ, trao đổi sản phẩm của doanh nghiệp.
Phát huy kết quả đã đạt được, với niềm vinh dự tự hào được Đảng, Nhà nước, xã hội tôn vinh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Ninh Bình sẽ vượt qua khó khăn, thách thức để thành công và phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguyễn Xuân Thành(Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh)