P.V: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến các doanh nghiệp. Việc ra quyết định lấy ngày 13-10 là ngày Doanh nhân Việt Nam là một minh chứng cho sự quan tâm đó. Về phía Hiệp hội, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của ngày Doanh nhân Việt Nam?
Ông Phạm Xuân Mược: Tôi rất mừng là xã hội đang ngày càng đánh giá cao vai trò và đóng góp của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Điều đó không chỉ thể hiện ở việc Thủ tướng quyết định lấy ngày 13-10 hàng năm là ngày truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam mà còn ở thay đổi lớn trong quan niệm của xã hội. Có thể nói hình ảnh doanh nhân "đang đẹp dần lên" trong con mắt của xã hội. Sự thay đổi của nhận thức xã hội đó không phải tự nhiên mà có. Nó bắt nguồn từ chính những nỗ lực vươn lên và đóng góp thiết thực, hiệu quả của doanh nhân trong xã hội. Cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh và phát triển. Bên cạnh việc trực tiếp làm ra của cải đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước, đội ngũ doanh nhân đã tạo thêm rất nhiều việc làm góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Khả năng cạnh tranh, sự năng động, thích ứng nhanh của doanh nhân cũng góp phần vào sự năng động của đất nước trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt khi mở cửa và hội nhập kinh tế thế giới; đội ngũ doanh nhân thực sự đã trở thành "người lính xung kích" khi đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
P.V: Với trách nhiệm to lớn ấy, trong những năm qua cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã có những đóng góp như thế nào cho xã hội, thưa ông?
Ông Phạm Xuân Mược: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Ninh Bình đã có những bước phát triển nhanh chóng về cả số lượng và chất lượng. Cơ cấu, quy mô, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp có chuyển biến phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Cộng đồng doanh nghiệp đã có những đóng góp quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các chính sách xã hội khác. Đến nay, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh có 610 hội viên, trong đó có 4 Chi hội cấp huyện, thành phố, có 3 hội ngành nghề là Hội ngành nghề cói, nghề đá mỹ nghệ, nghề sản xuất nấm và 1 câu lạc bộ doanh nhân nữ. Các doanh nghiệp đã thu hút, tạo việc làm cho hơn 91.000 lao động trên địa bàn tỉnh với thu nhập bình quân hơn 2,5 triệu đồng/tháng. Một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và thực hiện tốt chính sách cho người lao động như: Tập đoàn kinh tế Xuân Thành, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung, Công ty TNHH thủ công mỹ nghệ Đông Thành, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao… Những kết quả trên thể hiện sự đóng góp của các doanh nghiệp cũng như các doanh nhân.
P.V: Trước những khó khăn như nguồn vốn, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp…, nhiều người đánhh giá đây là giai đoạn "khủng hoảng" của doanh nghiệp. ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Phạm Xuân Mược: Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam thì với tình hình khó khăn này sẽ có khoảng 40-50% doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ phá sản do không giải quyết được khó khăn về nguồn vốn cũng như chịu sự tác động của thời kỳ lạm phát diễn ra trên diện rộng. Tuy nhiên, đây không thể nhìn nhận là thời kỳ "khủng hoảng" của doanh nghiệp mà là thời kỳ để các doanh nghiệp tự đánh giá đúng về mình và là cơ hội để sắp xếp lại vị trí của các doanh nghiệp trong xã hội.
P.V: Theo ông, trong xu thế hội nhập hiện nay, doanh nhân Ninh Bình còn phải khắc phục điểm yếu nào ?
Ông Phạm Xuân Mược: Theo tôi, điểm hạn chế dễ thấy nhất của các doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nhân Ninh Bình nói riêng hiện nay đó là còn thiếu tính chuyên nghiệp. ít có doanh nhân nào có được kinh nghiệm mang tính "cha truyền con nối" như các tập đoàn lớn của nước ngoài. Doanh nhân Ninh Bình thường bộc lộ các điểm yếu trong khả năng quản trị doanh nghiệp. Phần lớn doanh nhân chỉ thành công khi điều hành một doanh nghiệp vừa hoặc nhỏ với quy mô đầu tư và nhân công ít. Đại đa số không quen với phong cách điều hành, quản trị doanh nghiệp quy mô lớn, cần khả năng tập hợp và liên kết người tài. Đặc biệt là trong thời đại công nghệ thông tin tiên tiến hiện nay, nhiều doanh nhân vẫn không biết sử dụng Internet hay các phương tiện thông tin tiên tiến khác. Khả năng ngoại ngữ của đại đa số các doanh nhân còn hạn chế. Các doanh nhân tỉnh ta nói chung là thiếu sự đoàn kết gắn bó. Tuy nguồn vốn của các doanh nghiệp còn ít, năng lực cạnh tranh quốc tế chưa cao, nhưng các doanh nghiệp chưa biết liên kết hỗ trợ nhau cùng phát triển.
P.V: Từ thực tiễn khó khăn trên, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã có những hoạt động gì để hỗ trợ các doanh nghiệp?
Ông Phạm Xuân Mược: Có thể nói từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội đã tích cực nắm bắt những khó khăn, thuận lợi của các doanh nghiệp, phản ánh, tập hợp những kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh và các ngành liên quan để có các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp thuận lợi sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian qua, Hiệp hội đã thường xuyên phối hợp với ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại để phổ biến cho các doanh nghiệp về chủ trương và các quy định, các thủ tục hỗ trợ lãi suất theo gói kích cầu đầu tư của Nhà nước. Chỉ tính riêng Ngân hàng cổ phần thương mại Công thương Ninh Bình năm 2009 đã cho vay hỗ trợ lãi suất 752 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 282 tỷ đồng, trung hạn 470 tỷ đồng; từ cuối năm 2009 đến năm 2010, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trung hạn đạt 433 tỷ đồng, năm 2010, số hỗ trợ lãi suất được thực hiện gần 100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đã phối hợp với các Sở: Lao động, Thương binh và Xã hội, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Cục thuế, Ban đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tại địa phương mở nhiều lớp tập huấn phổ biến Luật Lao động, chính sách thuế, xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường trong nước, tham gia hội chợ như: Mở lớp phổ biến các quy định về hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp vay trung và dài hạn năm 2010; lớp tập huấn về phần mềm kế toán MISA giúp các doanh nghiệp ứng dụng vào hạch toán, làm báo cáo liên quan đến hạch toán. Hiệp hội cũng đã mở lớp nghiên cứu về thị trường Nhật Bản nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp tăng thêm hiểu biết về thị trường, tạo cơ hội xuất, nhập khẩu mở rộng. Ngoài ra, Hiệp hội còn phối hợp với VCCI và các ngành giới thiệu chương trình đi dự hội chợ, kết hợp tham quan, nghiên cứu các thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc… Thông qua các chương trình này giúp các doanh nghiệp tăng thêm hiểu biết pháp luật, nắm bắt các phương pháp tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh cho các doanh nghiệp nhằm giúp doanh nhân chủ động và tự tin hơn trong sản xuất, kinh doanh.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Thơm (Thực hiện)