Người làm gia công đều đặn chở sản phẩm cói đến nhập vào kho, người lao động thường xuyên tại doanh nghiệp nhanh tay hoàn thiện các sản phẩm, người vẽ mẫu miệt mài tạo thêm các mặt hàng mới, công nhân kỹ thuật chăm chú kiểm tra sản phẩm tại các kho sấy…
Anh Nguyễn Tân Trung, xã Hùng Tiến vừa tháo những buộc hàng là những túi, làn, hộp cói với mẫu mã đa dạng, màu sắc sặc sỡ trông rất đẹp mắt vừa được gia đình sản xuất theo mẫu của doanh nghiệp vừa phấn khởi cho biết: Khi thì hàng tuần, lúc lại vài ba ngày, tôi mang sản phẩm cói mỹ nghệ được gia đình nhận gia công đến nhập cho Doanh nghiệp cói tư nhân Ngọc Sơn, sau đó nhận nguyên liệu về sản xuất tại gia đình. Gia đình tôi làm gia công các sản phẩm cói mỹ nghệ cho doanh nghiệp đã gần chục năm nay, nhà có 4 người, lúc nào nhàn rỗi thì làm, các cháu đi học nhưng những lúc được nghỉ cũng rất nhiệt tình tham gia, đều đặn mỗi tháng, gia đình có thu nhập trên dưới 3 triệu đồng, đủ chi phí sinh hoạt và nuôi các cháu ăn học…
Cũng như anh Trung, bác Phạm Thị Thành, thôn Quy Hậu, xã Hùng Tiến nhanh tay cắt các mối cói thừa của các sản phẩm cói, vui vẻ cho biết: Ngoài thời gian làm nông nghiệp, lúc nông nhàn tôi đến doanh nghiệp làm công nhật. Công việc rất nhẹ nhàng, chỉ là hoàn thiện các sản phẩm đã gia công để đảm bảo chất lượng, đẹp mắt và phơi phóng các mặt hàng cói khi thời tiết thuận lợi. Công việc phù hợp với lứa tuổi gần 60, trưa tối về sum họp với gia đình mà thu nhập cũng được 1,8-2 triệu đồng/tháng (tùy vào số ngày đi làm) nên tôi rất phấn khởi.
Ông Trương Ngọc Thận, Giám đốc Doanh nghiệp cho biết: Trước tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, doanh nghiệp ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Nhưng với sự năng động, vượt lên khó khăn, lãnh đạo doanh nghiệp đã khắc phục tình trạng khan hiếm nguyên liệu bằng cách thiết kế ra các sản phẩm mới kết hợp giữa cói và vải, giữa cói và thủy tinh…đưa vào sản xuất. Nhiều sản phẩm đã được các thị trường khó tính chấp nhận và đặt hàng dài hơi.
Đồng thời, cán bộ, kỹ thuật doanh nghiệp cũng tìm tòi, nghiên cứu sản xuất các lò sấy, các phương pháp sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp để tiết kiệm năng lượng, hạ giá thành sản phẩm. Hơn nữa, để sản xuất, kinh doanh ổn định, Doanh nghiệp cói Ngọc Sơn đã tạo được mối liên kết với 4 doanh nghiệp khác trên địa bàn, tạo thành một nhóm, tổ liên kết để chia sẻ thông tin, giá cả, mặt hàng, thị trường…
Qua hơn một năm liên kết hoạt động, ông Thận nhận thấy rất hiệu quả, bởi khi khan hiếm nguyên liệu đầu vào, đến ngày giao hàng nhưng sản lượng chưa đủ, các doanh nghiệp trong tổ có thể vay, mượn, trao đổi, thông tin giao dịch với nhau, tránh được tình trạng bị ép giá, vi phạm hợp đồng…
Doanh nghiệp đã nghiên cứu và sản xuất một số mặt hàng "độc quyền", ký hợp đồng dài hạn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật, các nước châu Âu như hàng thủy tinh bọc cói, giỏ cói bọc vải, làn cói, tấm lót, tấm đệm, bóng đồ chơi trẻ em… Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã xuất khẩu trên 30 nghìn sản phẩm các loại, doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng; hiện đang hoàn thiện lô hàng giỏ cói bọc vải, bóng đồ chơi trẻ em, trị giá trên 1,5 tỷ đồng, chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Ông Thận cho biết thêm: Trong thời kỳ suy giảm kinh tế, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm những mặt hàng giá rẻ và thân thiện với môi trường mà vẫn đảm bảo độ bền, đẹp, đó là điều kiện thuận lợi để hàng cói Kim Sơn vẫn còn chỗ đứng trên thị trường ngoài nước.
Sản xuất ổn định, kinh doanh thuận lợi, Doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị hiện đại, phương tiện phục vụ cho sản xuất và đặc biệt duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho các đại lý vệ tinh, lao động thời vụ, lao động thường xuyên gắn bó với doanh nghiệp. Hiện, doanh nghiệp đảm bảo việc làm ổn định, thường xuyên cho 45 lao động tại doanh nghiệp với mức lương 2,5-3 triệu đồng/người/tháng và 3-4 nghìn lao động nông nhàn trên địa bàn xã Hùng Tiến, một số xã của huyện Yên Khánh, Kim Sơn…, có việc làm với mức thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/người/tháng.
Hạnh Chi