Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội "vàng" để phục hồi và bứt phá
Thứ Hai, 12/10/2020, 08:18
Zalo
Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế trong và ngoài nước. Đối với tỉnh Ninh Bình, sự vào cuộc tích cực, kịp thời của cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như sự hỗ trợ từ phía Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch hiệu quả, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế- xã hội 5 năm (2015-2020) của tỉnh. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Thành, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.
Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội "vàng" để phục hồi và bứt phá
P.V: Từ đầu năm đến nay các ngành kinh tế trong và ngoài nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh ông đánh giá thế nào về mức độ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Dịch bệnh COVID-19 làm hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp phải giảm công suất hoặc tạm dừng hoạt động do gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào và thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ. Đặc biệt khối doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch doanh thu giảm sút trên 80%. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng rà soát, thống kê số doanh nghiệp và lao động trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Theo đó toàn tỉnh có gần 600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với trên 20 nghìn lao động trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, có trên 5.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng, hàng chục nghìn lao động phải ngừng việc, làm việc cầm chừng, làm không đủ công...
Qua khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng cho thấy hiện các doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn chính như quy định về mức đóng bảo hiểm quá cao; khó khăn về vay vốn ưu đãi, các chính sách thuế; khó khăn về thị trường tiêu thụ cũng như nguyên liệu đầu vào do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...
P.V:Trước khó khăn đó các doanh nghiệp có mong muốn gì thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp hồi phục, sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một trong các chính sách tiếp cận sớm và phủ đều đến các doanh nghiệp là việc gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất; cho vay tiền để trả lương cho người lao động;... Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được một số chính sách hỗ trợ khác, hoặc tiếp cận một cách hạn chế như tiếp cận được chính sách vay vốn ưu đãi của ngân hàng; chính sách bảo hiểm; nhiều doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận các chính sách gặp khó khăn trong thủ tục, mất nhiều thời gian đi lại...
Các doanh nghiệp trong tỉnh mong muốn Nhà nước tập trung hỗ trợ để doanh nghiệp phát huy cao nhất khả năng tiêu thụ hàng hóa thông qua cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; các kênh thương mại điện tử, xúc tiến thương mại,... Cùng với đó, gia hạn thêm thời gian đối với chính sách nộp thuế, tiền thuê đất; đơn giản hóa thủ tục khi tiếp cận ngân hàng để vay vốn trả lương cho người lao động; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho người lao động sau khi được tuyển dụng vào các doanh nghiệp trong và sau dịch.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.
P.V: Phát huy vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội đã làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Với vai trò và trách nhiệm là cầu nối đại diện cho tiếng nói, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã kịp thời triển khai các nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước đến các doanh nghiệp hội viên. Trong đó, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng. Thường trực Hiệp hội luôn chủ động cung cấp thông tin tạo điều kiện cho doanh nghiệp hội viên hiểu rõ hơn và nắm bắt kịp thời pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thời gian qua Hiệp hội cũng đã tổ chức các đoàn doanh nghiệp, doanh nhân tham dự hội nghị hội thảo trong nước và quốc tế, nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nghiên cứu chia sẻ về kinh nghiệm quản lý cũng như tăng cường hợp tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia các hội chợ thương mại tạo điều kiện để tiêu thụ sản phẩm và quảng bá xúc tiến thương mại của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và du lịch giữa các địa phương trong cả nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài. Tiêu biểu như các sản phẩm của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, gốm sứ Bồ Bát, các sản phẩm nông sản của Công ty Giống cây trồng Ninh Bình.
Ngoài ra, Hiệp hội đã hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tiễn của cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nhanh về công nghệ thông tin, trình độ quản lý, điều hành doanh nghiệp, kỹ năng tiếp cận mở rộng thị trường, tìm kiếm, nắm bắt cơ hội liên doanh, liên kết tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa có sức cạnh tranh ở khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng phối hợp với Sở Tư pháp, Trường Đại học Hoa Lư, Hiệp hội Du lịch tỉnh tọa đàm trao đổi với các doanh nghiệp hội viên về chọn nghề đào tạo mà doanh nghiệp cần. Tư vấn hình thành các chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh tạo cơ hội đầu tư và phát triển; tổ chức hội thảo về thủ tục giao đất thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh và những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các dự án đầu tư của doanh nghiệp, từng bước xác định nguyên nhân và giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp hội viên.
P.V:Theo ông trong giai đoạn này cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước thì bản thân các doanh nhân cần phải làm gì để "tự cứu mình"?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Qua đợt dịch COVID-19, một lần nữa sức sống, kiên cường, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình nói riêng được khẳng định. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cộng đồng doanh nghiệp đã và đang nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Thông qua thực tế mà Hiệp hội khảo sát cũng như kết quả sản xuất, kinh doanh trong 9 tháng năm 2020 của các doanh nghiệp cho thấy, doanh nghiệp trong tỉnh đã rất chủ động có giải pháp "tự cứu mình". Điều này thể hiện bản lĩnh của mỗi doanh nhân trong những thời điểm khó khăn. Tiêu biểu như Tập đoàn Xuân Thành vừa qua đã ký kết song phương với 16 nước trên thế giới về nhập nguyên liệu và xuất khẩu xi măng.
Để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã có sáng kiến phù hợp như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tập trung khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh…
Điều đáng mừng là trong giai đoạn rất khó khăn vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khác cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức. Dưới nhiều hình thức, các doanh nhân, doanh nghiệp đã chung tay chia sẻ với tỉnh trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.
Về phía cá nhân tôi đánh giá mặc dù đây là giai đoạn khó khăn của nền kinh tế nhưng cũng là thời cơ quý báu, không dễ gì có được khi Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ. Chính vì vậy, ngay lúc này chúng ta cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ "vàng", nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng.