Tham gia Đoàn có đại điện lãnh đạo Ban ATGT Quốc gia, Vụ an toàn giao thông đường bộ, Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, TUV, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Sở Giao thông- Vận tải, Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông CA tỉnh.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 11.000 phương tiện vận tải hàng hóa, trong đó có gần 9.300 xe tải, 820 xe đầu kéo, 830 xe sơ mi rơ-mooc.
Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh, các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố đã ban hành gần 40 văn bản chỉ đạo triển khai công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.
Thời gian qua, lực lượng Thanh Tra giao thông đã kiểm tra 2.077 phương tiện xử lý 248 phương tiện vi phạm; lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, nộp kho bạc Nhà nước hơn 900 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 65 trường hợp.
Công an tỉnh đã kiểm tra và xử lý 207 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 3 tỷ đồng. Trạm KTTTX lưu động được UBND tỉnh quyết định thành lập đã hoạt động 24h/ngày và 7 ngày trên tuần.
Từ tháng 9/2016 TKTTTX đã triển khai mô hình hoạt động không có lực lượng Cảnh sát giao thông và đặt trạm kiểm soát tải trọng di chuyển trên các tuyến đường. Lực lượng liên ngành tại Trạm KTTTX lưu động đã kiểm tra 1.960 phương tiện; xử lý 562 phương tiện vi phạm; lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, nộp kho bạc Nhà nước trên 5,1 tỷ đồng.
Trong 8 tháng đầu năm 2016, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện được duy trì, đi vào hoạt động ổn định góp phần giảm TNGT. Tuy nhiên, sau khi lực lượng Công an không tham gia vào lực lượng liên ngành của Trạm KTTTX (theo thông báo số 13/TB-BCA- V11 ngày 8/9/2016 của Bộ Công an) công tác kiểm soát tải trọng xe gặp một số khó khăn đó là: Lực lượng Thanh tra duy trì công tác kiểm soát tải trọng xe còn mỏng; điều kiện, phương tiện phục vụ công tác còn hạn chế nên việc kiểm soát khép kín địa bàn trên các tuyến, các đầu mối xếp hàng còn gặp khó khăn.
Việc lựa chọn vị trí đặt Trạm KTTTX lưu động trên các tuyến đường, tỉnh, huyện, đường vào khu vực mỏ, đầu mối xếp hàng gặp khó khăn. Các quy định về chế độ, chính sách của cán bộ, công chức chưa phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động Trạm cân…
Từ đó, công tác kiểm tra tải trọng xe có nhiều xáo trộn, tình hình xe quá tải có chiều hướng bùng phát trở lại.
Tại buổi làm việc, cán bộ Đoàn kiểm tra và các sở, ngành có liên quan của tỉnh đã thảo luận đánh giá những khó khăn, thuận lợi trong công tác kiểm soát tải trọng xe và đưa ra các giải pháp thực hiện tốt hơn công tác kiểm soát tải trọng xe trong thời gian tới.
Ban An toàn giao thông tỉnh đề nghị Bộ Giao thông- Vận tải bổ sung thêm các Trung tâm sửa chữa, kiểm định thiết bị cân theo khu vực; chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ cắm biển hạn chế tải trọng trực tiếp trên các tuyến đường khai thác để lái xe biết và tự giác chấp hành.
Đề nghị UBND tỉnh xem xét, bổ sung thêm biên chế công chức cho Thanh tra giao thông; có kế hoạch chi tiết đảm bảo kinh phí cho hoạt động của Trạm KTTTX.
Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giáo thông- Vận tải nêu rõ: Ninh Bình là một tỉnh thực hiện quyết liệt việc kiểm soát tải trọng xe, do vậy phương tiện quá khổ, quá tải giảm. Tỉnh cần phát huy cách làm hay trong đảm bảo TTATGT nói chung và kiểm soát tải trọng xe nói riêng.
Trong thời gian tới đồng chí đề nghị các ngành chức năng của tỉnh cần nắm chắc địa bàn, tình hình, phân rõ trách nhiệm để thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe.
Ngành Công an, Thanh tra Giao thông cần tăng cường mở các đợt hoạt động cao điểm kiểm soát tải trọng xe. Sở Giao thông-Vận tải củng cố lực lượng Thanh tra giao thông, chuyển hoạt động của Trạm cân tải trọng xe cho Thanh tra giao thông quản lý điều hành hoạt động.
Trần Dũng-Anh Tuấn