Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt là từ sau khi tái lập tỉnh, Bệnh viện luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; Sở Y tế và các sở, ban, ngành; đặc biệt là niềm tin của nhân dân. Cùng với sự đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc, Bệnh viện đã khẳng định được vị thế một Bệnh viện đa khoa hàng đầu của tỉnh, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, đáp ứng sự hài lòng của người dân và được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu thi đua cao quý.
Với vị thế là Bệnh viện hạng I, là đơn vị sự nghiệp y tế đầu tiên trên địa bàn tỉnh thực hiện cơ chế tự chủ toàn bộ chi thường xuyên, tự chủ về thực hiện nhiệm vụ và tổ chức bộ máy, biên chế với quy mô 1.000, 1.100, 1.200 giường bệnh theo các năm 2018 - 2020.
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 45 khoa, phòng, đầu mối trực thuộc với 895 cán bộ, viên chức và lao động; trong đó có 223 bác sỹ, 52 dược sỹ, 456 điều dưỡng, nữ hộ sinh và kỹ thuật viên và 164 cán bộ khác. Cơ chế tự chủ vừa là cơ hội vừa là thách thức để Bệnh viện phấn đấu phát triển mọi mặt, đặc biệt là phát triển các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật vượt tuyến, mở rộng các dịch vụ y tế, đáp ứng yêu cầu về chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng cao và đa dạng của người dân trong tỉnh và các vùng lân cận; hoàn thành tốt 7 chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Bộ Y tế là: Khám bệnh, chữa bệnh; Đào tạo cán bộ y tế; Nghiên cứu khoa học về y học; Chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật; Phòng bệnh; Hợp tác quốc tế; Quản lý kinh tế y tế.
Đảng bộ bệnh viện với 21 chi bộ, 284 đảng viên và tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh, tích cực tham gia công tác xã hội như công tác đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lụt...
Được sự quan tâm đầu tư về cơ sở, vật chất hạ tầng, trang thiết bị, đến năm 2010, trụ sở Bệnh viện được đưa vào khai thác sử dụng trên khuôn viên rộng gần 17 ha, các hạng mục công trình khang trang, quy mô xây dựng đủ đáp ứng cho 700 giường bệnh nội trú; đội ngũ nhân lực còn khiêm tốn với hơn 100 bác sỹ; hệ thống máy, trang thiết bị y tế cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ; Bệnh viện tranh thủ nguồn vốn xã hội thực hiện liên doanh, liên kết; đào tạo và tiếp nhận kỹ thuật theo nhiều hình thức như cầm tay chỉ việc, theo Đề án 1816 của Bộ Y tế để phát triển, mở rộng dịch vụ kỹ thuật.
Những năm gần đây, để nâng cao số lượng, chất lượng các dịch vụ y tế, đặc biệt là các kỹ thuật chuyên sâu chưa triển khai tại tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, tạo điều kiện để người dân được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao, chuyên sâu tại tỉnh, nhất là trong bối cảnh thông tuyến bảo hiểm y tế và thực hiện cơ chế tự chủ đòi hỏi Bệnh viện phải năng động, sáng tạo, chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các kỹ thuật mới, trước hết là việc đào tạo đội ngũ thầy thuốc giỏi về chuyên môn, tận tâm và trách nhiệm với người bệnh.
Công tác đào tạo được thực hiện dưới nhiều hình thức như học tập trung, học theo hình thức cầm tay chỉ việc, gửi các Viện Trung ương ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đào tạo, theo các gói của dự án, hợp đồng với các bệnh viện tuyến trên chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán và điều trị vụ, đáp ứng sự kỳ vọng và hài lòng của người dân đối với Bệnh viện.
Hiện tại, Bệnh viện có 12 bác sỹ chuyên khoa cấp II, gấp 2 lần so với năm 2013. Hàng năm, Bệnh viện cử hàng trăm lượt bác sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Tính đến cuối năm 2018, có 117 cán bộ đang được cử đi đào tạo, trong đó tỷ lệ đào tạo sau đại học chiếm 46,2%; phấn đấu cuối năm 2019 có 19 bác sỹ chuyên khoa cấp II, cuối năm 2020 có 29 bác sỹ chuyên khoa cấp II; nhiều bác sỹ được Bệnh viện gửi các giáo sư, tiến sỹ các Viện lớn trực tiếp đào tạo trong thời gian tối thiểu 6 tháng; số bác sỹ sau đào tạo đều ứng dụng và phát triển kỹ thuật tốt tại Bệnh viện.
Cùng với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bệnh viện sắp xếp, cải tạo, cơi nới sử dụng hành lang để kê thêm giường điều trị, chuyển khoa Dược, kho bệnh án, một số phòng chức năng, khu làm việc của bảo hiểm y tế, Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh đến một phần khu nhà luyện tập đa năng, nâng số giường bệnh từ 700 năm 2013 lên hơn 1.300 năm 2018 giường, gần gấp đôi công suất.
Hiện tại, trung bình số lượt người khám bệnh 980 lượt/ngày, người bệnh điều trị nội trú 1.130 người/ngày; cải tiến quy trình khám bệnh từ 9 bước xuống còn 6 bước, rút ngắn đáng kể thời gian chờ đợi của người bệnh; từng bước hoàn thiện quy trình kỹ thuật, quy trình chuyên môn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đầu đọc mã thẻ, mã code, nâng cấp phần mềm quản lý bệnh viện (his), trang bị 2 hệ thống xét nghiệm (lis), phần mềm lưu giữ và truyền tải dữ liệu (PACS) sau chụp, chiếu, đọc kết quả xong thì ngay lập tức các máy trạm của bác sỹ có thể xem được kết quả vừa đáp ứng nhanh trong chẩn đoán, trong điều trị, vừa tiết kiệm không phải in phim (đã lắp đặt xong và sẽ hoạt động từ năm 2019); ứng dụng chữ ký số cho các bác sỹ Khoa khám bệnh, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, theo đó bệnh nhân không phải chờ lấy kết quả.
Hệ thống máy, thiết bị y tế cũng được quan tâm, đầu tư từ nguồn vốn vay (ODA), xã hội hóa và tự trang bị hiện tại cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh như: 1 hệ thống can thiệp mạch, 1 máy chụp cộng hưởng từ, 3 máy chụp cắt lớp (CT), máy siêu âm, máy thở, máy gây mê kèm thở, monitor theo dõi bệnh nhân, hệ thống máy và dụng cụ mổ nội soi, hệ thống máy tán sỏi thận qua da, sỏi niệu quản ngược dòng ống mềm, máy nội soi tai mũi họng ống mềm; hệ thống máy sinh học phân tử đo tải lượng vi rus viêm gam B, C, vi rus HIV; kính siêu hiển vi dùng cho phẫu thuật sọ não, thoát vị cột sống…
Ngoài việc cải tạo cơ sở hạ tầng, ứng dựng công nghệ, tin học, đầu tư máy, thiết bị y tế và đào tạo cán bộ, Bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân thông qua quy chế duy trì và đảm bảo an ninh, an toàn bệnh viện, không để vụ việc lớn, phức tạp xảy ra ở Bệnh viện; triển khai thực hiện tốt các quy định về y đức, quy tắc ứng xử của Bộ Y tế, mở nhiều lớp về kỹ năng giao tiếp, về tiếp thị bệnh viện cho 100% cán bộ, nhân viên Bệnh viện và lực lượng vệ sinh, vệ sỹ.
Mở hòm thư góp ý, lập điện thoại đường dây nóng để kịp thời lắng nghe và điều chỉnh, qua đó thái độ, tinh thần trách nhiệm của nhân viên y tế đối với người bệnh ngày được nâng cao, hạn chế tối đa sự kêu ca, phàn nàn của người bệnh, tạo được niềm tin của nhân dân với Bệnh viện. Qua khảo sát đánh giá sự hài lòng của người bệnh đến khám, điều trị nội trú, ngoại trú cho thấy, tỷ lệ người bệnh hài lòng với quy trình khám, chữa bệnh cũng như thái độ của y, bác sỹ ngày càng cao, đạt tỷ lệ trên 90%.
Trong 5 năm qua, Bệnh viện triển khai nhiều kỹ thuật và đến hết năm 2018 thực hiện được 84% kỹ thuật theo phân tuyến kỹ thuật, hơn 100 kỹ thuật vượt tuyến; triển khai được 70 kỹ thuật mới tại Bệnh viện, như: Chụp, can thiệp mạch vành dưới DSA; chụp can thiệp mạch tạng dưới DSA; chụp can thiệp mạch chi dưới DSA; đặt máy tạo nhịp tạm thời, vĩnh viễn trong buồng tim; dẫn lưu đường mật, đặt stent đường mật qua da; phẫu thuật cắt khối tá tụy, phẫu thuật cắt gan bán phần, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, bơm xi măng sinh học làm vững cột sống; thay khớp háng, phẫu thuật nội soi khớp gối, thay khớp gối, phẫu thuật mạch máu ngoại vi; tán sỏi thận qua da, phẫu thuật nội soi cắt thận, cắt nang thận; nội soi đặt stend thực quản, nội soi tụy mật ngược dòng lấy sỏi đường mật (ERCP); phẫu thuật Phaco; khai thông huyết khối bằng tiêu sợi huyết trong đột quỵ não; xét nghiệm định lượng vi rus HIV, vi rus viêm gan B, C…
Hàng năm, Bệnh viện quản lý và điều trị cho trên 10.000 người bệnh ngoại trú, trong đó có khoảng 1.500 người bệnh viêm gan B, C không phải chuyển tuyến trên, giảm tỷ lệ chuyển tuyến trước đây từ 3%-3,5% xuống còn 2,2% năm 2018. Duy trì giao ban tuyến, đào tạo và chuyển giao 24 kỹ thuật cho các Bệnh viện tuyến huyện, góp phần giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, giảm quá tải cho các Bệnh viện tuyến trên. Bên cạnh đó, Bệnh viện thực hiện tốt công tác quản lý tài sản, tài chính, trang thiết bị, sử dụng điện nước tiết kiệm, tránh lãnh phí; đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế cho người bệnh.
Ghi nhận những thành tích đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, 5 năm qua (2013-2017), tập thể Bệnh viện và người lao động đã nhận nhiều hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua cao quý. Trong đó, cá nhân có 29 Bằng khen của UBND tỉnh; 4 Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh; 4 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 7 Thầy thuốc Ưu tú, 2 Thầy thuốc Nhân dân; 2 Huân chương Lao động hạng Ba và hàng trăm chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và giấy khen của Sở Y tế ...; Tập thể Bệnh viện được trao tặng 2 Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh, 1 Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Y tế, 1 Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ... Đặc biệt, năm 2017, Bệnh viện vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Phát huy những kết quả và thành tích đã đạt được trong thời gian qua; khắc phục những khó khăn về cơ sở hạ tầng (sau 9 năm sử dụng chưa được bảo trì, sửa chữa lớn, thiếu trang thiết bị cho phát triển kỹ thuật chuyên sâu; cơ chế tự chủ mặc dù đã tạo cơ hội chủ động, nhưng còn nhiều ràng buộc và Bệnh viện lại chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện tự chủ; văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thay đổi nhiều, nhất là về lĩnh vực bảo hiểm y tế; trình độ chuyên của một số cán bộ, nhân viên y tế còn hạn chế).
Thời gian tới, tập thể cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục duy trì và phát huy sức mạnh đoàn kết, đổi mới, sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao, tiếp tục xây dựng Bệnh viện ngày càng phát triển, đặc biệt là về chuyên môn, nghiệp vụ và về tinh thần thái độ, ý thức trách nhiệm, nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Thầy thuốc Ưu tú, Thạc sỹ, Bác sỹ CK II Phạm Văn Hiệp
(Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện)