Phóng viên Báo Ninh Bình đã phỏng vấn đồng chí Bùi Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Kim Sơn để hiểu rõ hơn về hoạt động của Hội. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Phóng viên (P.V): Xây dựng và phát triển tổ chức Hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Kim Sơn trong 5 năm qua. Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn về nhiệm vụ này ?
Đồng chí Bùi Xuân Nguyên: 5 năm qua, vượt qua bao khó khăn của ngày đầu mới thành lập, được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, tổ chức Hội đã có bước phát triển vững chắc. Đến nay, 26/27 xã, thị trấn trong huyện đã thành lập được chi hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, còn xã Kim Đông do chỉ có 1 nạn nhân mới được hưởng chế độ nên chưa tiến hành thành lập chi hội.
Để củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, công tác kết nạp hội viên được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp Hội trong huyện. Căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương và quy định của Hội, công tác kết nạp hội viên của Hội không chỉ vừa đảm bảo số lượng mà phải vừa đảm bảo về chất lượng.
Bên cạnh hội viên là nạn nhân trực tiếp, Hội quan tâm phát triển hội viên tình nguyện với tinh thần cộng đồng trách nhiệm để xây dựng và phát triển Hội. Tổng số hội viên trong toàn Hội hiện nay là 917 hội viên, trong đó có hội viên là nạn nhân là 405 người, hội viên tình nguyện là 485 người. Có thể nói, hoạt động của Hội từng bước đi vào chiều sâu, hội viên đoàn kết, thương yêu nhau, coi Hội như mái nhà của mình để động viên, chia sẻ, giúp nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
P.V: Hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin được Hội triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Bùi Xuân Nguyên: Với phương châm hoạt động "Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam", những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Kim Sơn đã huy động các nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn. Để làm tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, Hội đã thường xuyên giữ mối quan hệ, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể có liên quan, đồng thời vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tích cực tham gia ủng hộ Quỹ nạn nhân chất độc da cam. Năm 2011, nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, Thường trực Huyện ủy đã cho phép tiến hành cuộc vận động quyên góp xây dựng Quỹ nạn nhân chất độc da cam ở huyện và cơ sở. Đến nay, tổng số Quỹ của Huyện hội đạt trên 110 triệu đồng; Quỹ hội ở các xã, thị trấn là 62 triệu đồng; Quỹ nội bộ do hội viên đóng góp là 111 triệu đồng. Số tiền vận động được, các cấp Hội đã tổ chức đi thăm, tặng quà cho các gia đình nạn nhân; hỗ trợ nạn nhân sản xuất, trợ cấp khó khăn; thăm hỏi gia đình hội viên lúc ốm đau, việc vui, việc buồn.
P.V: Đồng chí có những kiến nghị, đề xuất gì trong thực hiện giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học?
Đồng chí Bùi Xuân Nguyên: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, huyện Kim Sơn có hơn 5.000 thanh niên tham gia bộ đội, công an, thanh niên xung phong, cán bộ dân - chính - đảng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và công tác từ vĩ tuyến 17 trở vào. Qua khảo sát, thống kê năm 2011, toàn huyện có trên 3.000 người bị nhiễm chất độc hóa học, nhưng đến nay mới có trên 700 người được hưởng chế độ trong đó có 300 người là nạn nhân trực tiếp.
Để đảm bảo quyền lợi cho các nạn nhân chất độc hóa học dioxin, tôi có một số đề nghị: Đối với các đối tượng tham gia kháng chiến nhưng hiện nay giấy tờ đã bị thất lạc, mất mát nên không đủ thủ tục hồ sơ để được công nhận hưởng trợ cấp nạn nhân chất độc da cam, vì vậy đề nghị Đảng, Nhà nước có chính sách sửa đổi, bổ sung, cải tiến quy trình xét duyệt hồ sơ để các đối tượng này được hưởng trợ cấp. Ngoài 17 nhóm bệnh, tật đã được ban hành để xét hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam, đề nghị Nhà nước sớm công nhận 7 nhóm bệnh, tật mới để các đối tượng đã tham gia kháng chiến làm hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp.
Đặc biệt, đề nghị Đảng và Nhà nước cần xem xét, nâng mức trợ cấp cho các đối tượng hưởng chế độ gián tiếp; đồng thời có chính sách để công nhận mức hưởng trợ cấp đối với các đối tượng này (đối tượng nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3). Các cấp Hội ở Kim Sơn cũng đề nghị Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam thông qua việc thực hiện các dự án xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân, xây dựng nhà tình nghĩa, cấp học bổng và trợ giúp tìm việc làm cho nạn nhân và con em nạn nhân..., giúp nạn nhân vươn lên hòa nhập cộng đồng.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Ngọc Minh (Thực hiện)