Nội dung giám sát việc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-HĐND ngày 17/4/2012 của HĐND tỉnh về việc thông qua đề án xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 của Sở Tài chính. Lãnh đạo Sở và các phòng chuyên môn đã báo cáo với Đoàn về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-HĐND của Sở Tài chính.
Theo đó, tính đến ngày 5/9/2014, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh và thực hiện bố trí, cấp phát kịp thời cho các huyện, thị xã kinh phí hỗ trợ cho XDNTM từ nguồn ngân sách với số tiền là 358.675 triệu đồng. Năm 2011 là 30.000 triệu đồng; năm 2012 là 76.2000 triệu đồng; năm 2013 là 126.035 triệu đồng; năm 2014 đến thời điểm này là 126.440 triệu đồng.
Sở cũng đã phối hợp với các ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện chính sách hỗ trợ của tỉnh trong chương trình XDNTM. Hàng năm, Sở cũng đã tổ chức kiểm tra việc sử dụng kinh phí hỗ trợ của các địa phương và phát hiện những sai phạm như: phân bổ mua xi măng làm đường giao thông chưa đúng định mức của tỉnh; sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ chưa đúng quy định…Sở đã lập báo cáo và có văn bản gửi các địa phương điều chỉnh, sửa chữa.
Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, số tăng thu của tỉnh thấp nhất là trong những năm gần đây, Sở vẫn chủ động cân đối nguồn và tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ cho các huyện, thị xã thực hiện Chương trình XDNTM.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ của Sở Tài chính trong buổi làm việc với Đoàn. Theo nhiệm vụ và chức năng của mình, Sở đã triển khai kịp thời việc thực hiện Nghị quyết 01 của HĐND tỉnh; đã tổ chức kiểm tra giám sát nguồn kinh phí hỗ trợ cho các địa phương.
Tuy nhiên qua buổi làm việc này cũng cho thấy trách nhiệm của Sở trong việc tổng hợp, phân bổ nguồn lực vào XDNTM và việc hướng dẫn cơ chế tài chính ở một số lĩnh vực cụ thể chưa rõ ràng. Nhiệm vụ của Sở trong thời gian tới là tập trung hướng đẫn cơ chế tài chính cho việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa, nhất là ở các xã đăng ký về đích trong năm 2013, 2014 và kinh phí hỗ trợ cho việc đồn điền đổi thửa.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ trong XDNTM, phát hiện sai phạm kiến nghị sửa chữa và theo dõi đôn đốc sửa chữa. Tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên trong Đoàn giám sát, bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo (trong đó có nội dung sử dụng kinh phí hỗ trợ không đúng, lý do, hướng khắc phục…) và gửi về văn phòng HĐND tỉnh; rà soát, thẩm định lại các chính sách hỗ trợ, cơ chế hỗ trợ… trong XDNTM có kiến nghị điều chỉnh bổ sung (nếu có) với tỉnh.
• Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 17/4/2012 của HĐND tỉnh và Đề án số 06/ĐA-UBND ngày 4/4/2012 của UBND tỉnh về XDNTM.
Đoàn làm việc tại Sở KH&ĐT. Ảnh: ĐL
Thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, Sở KH&ĐT đã có văn bản hướng dẫn thực hiện tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.
Về phân bổ, huy động, quản lý nguồn vốn, từ năm 2011-2014, ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp cho chương trình xây dựng nông thôn mới là trên 122 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là trên 263 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là trên 1.650 tỷ đồng. Việc cân đối và phân bổ nguồn lực thuộc nguồn vốn Ngân sách trung ương đảm bảo đúng quy trình, trình tự thủ tục phân bổ vốn theo quy định.
Trên cơ sở tình hình thực tế của các địa phương, Sở KH&ĐT đã tham mưu cho UBND phân bổ nguồn vốn tập trung ưu tiên cho các xã hoàn thành nông thôn mới trong năm 2014, 2015 và các xã đặc biệt khó khăn; đối tượng hỗ trợ đầu tư là hạ tầng kinh tế xã hội, môi trường, ưu tiên trường học, trụ sở UBND xã, nhà văn hóa xã, nước sạch, môi trường, giao thông, nông thôn, thủy lợi….
Đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh và nguồn vốn lồng ghép, Sở KH&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, trái phiếu chính phủ, trung ương hỗ trợ và cân đối ngân sách tỉnh đảm bảo có sự lồng ghép các chương trình phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Kết quả cụ thể: sau 3 năm thực hiện chương trình kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn của tỉnh cơ bản từng bước đã được hiện đại hóa, bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 5.500 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài trên 569 km, và nâng cấp 386 cầu cống dân sinh.
Tỉnh đã hỗ trợ trên 69 nghìn tấn xi măng; nhân dân tích cực hưởng ứng đóng góp tiền của, công sức, trí tuệ, tự nguyện hiến trên 50 ha đất; đã kiên cố hóa 222km kênh mương do xã quản lý; lắp đặt trên 250 km đường điện, nâng cấp 109 trường học đạt chuẩn quốc gia….
Tại buổi giám sát, các thành viên của đoàn giám sát và Sở kế hoạch và đầu tư đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề như: Việc ban hành quy chế phối hợp giữa các Sở, ban ngành liên quan; cơ chế, chính sách huy động nguồn lực hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn thực hiện tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất; hiệu quả các nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh...
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát ghi nhận sự chuẩn bị và bố trí làm việc nghiêm túc với Đoàn của Sở KH&ĐT. Đồng chí Phó chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Sở KH&ĐT tiếp thu các ý kiến của các thành viên trong Đoàn bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo và gửi về Văn phòng HĐND tỉnh.
Đinh Chúc