Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết khái quát về kết quả kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã tập trung xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Về kinh tế - xã hội, Quốc hội đã dành thời gian phân tích, đánh giá một cách sâu sắc thực trạng tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ 3 tháng còn lại năm 2012, trên cơ sở đó, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách Nhà nước năm 2013. Trên lĩnh vực xây dựng pháp luật, Quốc hội đã thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến 6 dự án khác, trong đó có những dự án luật được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm như: Luật HTX (sửa đổi); Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân...
Đặc biệt, tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn. Đây là bước đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, góp phần nâng cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua thực hiện quyền giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến về các nội dung sửa đổi và ban hành Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai và đã ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với lĩnh vực này; ban hành Nghị quyết về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; nghe các báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII; báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn và xem xét quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
P.V: Kỳ họp diễn ra với nhiều nội dung rất quan trọng, xin đồng chí cho biết những đóng góp của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tại kỳ họp lần này?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Để chuẩn bị tham gia kỳ họp thứ tư, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiến hành tiếp xúc cử tri ở các địa phương trong tỉnh, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trước ngày khai mạc, Đoàn cũng đã tổ chức hội nghị để nghe lãnh đạo UBND tỉnh thông báo về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, kiến nghị của địa phương đối với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương, trên cơ sở đó, chuẩn bị tốt các ý kiến phát biểu tại kỳ họp.
Trong kỳ họp, với tinh thần nghiêm túc, tâm huyết và trách nhiệm, các đại biểu đã đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng các tài liệu, báo cáo, tờ trình, các dự án luật để tham gia những ý kiến xác đáng. Tại các phiên thảo luận ở hội trường và ở tổ, các đại biểu trong Đoàn đã phát biểu trên 30 ý kiến đóng góp vào những vấn đề lớn liên quan đến quốc kế, dân sinh, nhiều ý kiến nhận được sự đồng tình cao của cử tri cả nước, được Ban soạn thảo của Quốc hội ghi nhận và tiếp thu. Đặc biệt, trong quá trình tham gia thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2013, các đại biểu trong Đoàn đã đi sâu phân tích những vấn đề đang được đông đảo cử tri quan tâm như: Vấn đề giá cả leo thang; đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân; hiệu quả của các dự án đầu tư công; hàng tồn kho của doanh nghiệp; xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng; lộ trình tăng lương...
Trên cơ sở đó, đề xuất nhiều ý kiến với Chính phủ ưu tiên đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn; quan tâm đến khâu chế biến, tiêu thụ nông sản sau thu hoạch, sửa đổi chính sách, thủ tục tín dụng để người nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư cho cơ giới hóa nông nghiệp; rà soát, khắc phục những bất cập trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội..., góp phần cùng Chính phủ đề ra các giải pháp thích hợp đưa đất nước phát triển ổn định, bền vững hơn trong năm 2013 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh việc thảo luận đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn của đất nước, các đại biểu trong Đoàn còn tích cực tham gia các buổi hội thảo chuyên đề, trao đổi bên hành lang, tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương đối với những vấn đề mà tỉnh đang tập trung giải quyết, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của cả nước và của tỉnh ngày càng phát triển.
P.V: Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn đã được Quốc hội thông qua, đồng chí có thể cho biết rõ hơn về nội dung này?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn được Quốc hội ban hành nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Nghị quyết số 27/2012/QH13 của Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Trong đó, phạm vi lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội gồm 49 chức danh chủ chốt là Chủ tịch, các Phó Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước.
Đối với HĐND các cấp, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực HĐND, Trưởng các Ban của HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên của Ủy ban nhân dân. Phiếu tín nhiệm sẽ được lấy định kỳ hàng năm tại kỳ họp đầu năm, kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức. Người có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm. Người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND bỏ phiếu "không tín nhiệm" thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình QH, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được Quốc hội, HĐND tín nhiệm.
Trong bối cảnh Đảng ta đang triển khai Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", cơ chế lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo là một công cụ hữu hiệu để góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự là Đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân.
P.V: Trong thời gian tới, để góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tập trung vào những vấn đề gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, Đoàn sẽ tích cực tham gia các hoạt động của Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, tập trung vào việc tăng cường, đổi mới công tác tiếp xúc cử tri, đặc biệt là tổ chức tiếp xúc theo chuyên đề, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến của cử tri. Đoàn cũng sẽ phân công các đại biểu nghiên cứu chuyên sâu các dự án Luật theo từng lĩnh vực, đồng thời đổi mới cách tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Luật của đội ngũ cộng tác viên nhằm nâng cao chất lượng công tác lập pháp. Đẩy mạnh hoạt động giám sát, tích cực tham gia chất vấn và phát biểu tại các kỳ họp, góp phần giải quyết có hiệu quả những vấn đề mà cử tri quan tâm. Bên cạnh đó, các đại biểu trong Đoàn sẽ thường xuyên quan tâm tìm hiểu, nắm bắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề cấp bách, những nội dung địa phương còn gặp khó khăn đang tập trung giải quyết để kịp thời báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hướng quan tâm, giúp đỡ.
Trong năm 2013, Đoàn sẽ tiến hành khảo sát thực tế, lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành, địa phương tìm hiểu thực trạng, những bất cập trong các văn bản pháp luật hiện hành cần bổ sung, sửa đổi. Triển khai kế hoạch giám sát chuyên đề "Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012"; "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009-2012"; xây dựng chương trình tiếp dân và đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân... Trong thời gian tới, Đoàn rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của cử tri trong tỉnh để các đại biểu hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng là người đại biểu của nhân dân.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Quốc Khang (Thực hiện)