Dự hội nghị có các đồng chí: Đinh Ngọc Hà, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các vị trong đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý danh thắng Tràng An; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố: Ninh Bình, Hoa Lư, Kim Sơn, Gia Viễn, Nho Quan; lãnh đạo Hiệp Hội du lịch tỉnh và đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, đa số các đại biểu đồng tình với việc cần thiết phải có sự sửa đổi Luật Du lịch. Bởi sau hơn 10 năm thực hiện Luật Du lịch năm 2005 đã nảy sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng tập trung góp ý vào một số điểm chưa phù hợp trong dự thảo luật như:
Về giải thích từ ngữ: các đại biểu cho rằng, nên bổ sung các cụm từ: Dịch vụ du lịch", "du lịch sinh thái", "du lịch văn hóa" để tiện cho việc áp dụng luật.
Về quy định Hội về Du lịch theo điều 8, các đại biểu đề nghị nên đổi bằng cụm từ "Hiệp Hội du lịch" và cần có quy định phù hợp với Luật về Hội sắp được xem xét thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ 2.
Về Chính sách phát triển du lịch (điều 5), các đại biểu đề nghị bổ sung thêm khoản: Bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng, lợi ích chính đáng và an ninh, an toàn cho khách du lịch, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch (giữ nguyên khoản 3, điều 5, Luật Du lịch 2005). Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị Nhà nước nên có chính sách giáo dục thế hệ trẻ về hoạt động du lịch và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường...
Về sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch (điều 7): có đại biểu đề nghị Dự thảo nên quy định: chính quyền cơ sở hướng dẫn cộng đồng dân xây dựng được những hương ước, quy ước về du lịch, bảo vệ tài nguyên du lịch. Chính quyền các cấp xem xét công nhận những hương ước, quy ước về du lịch và công nhận người đại diện do cộng đồng dân cư ủy quyền bằng văn bản.
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm góp ý đó là việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Theo đó, các đại biểu cho rằng việc quy định như khoản 1, điều 61 là không khả thi, theo đó việc xếp hạng phải được thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước xếp hạng và cần có quy định sau 5 năm cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng cần phải được xem xét thẩm định lại.
Dự thảo luật nên quy định: ngoài việc Sở Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 1 sao, hạng 2 sao, hạng 3 sao thì có thêm thẩm quyền thẩm định nhà nghỉ, và các cơ sở lưu trú khác.
Ngoài ra, có đại biểu cũng cho rằng việc ấn định số lượng phòng nghỉ (50 phòng) của các khách sạn hạng 3 sao như hiện tại là không phù hợp, theo đó nên đánh giá về chất lượng phòng nghỉ, chất lượng phục vụ du lịch chứ không nên dựa vào số lượng phòng nghỉ.
Đề cập đến trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch của Ủy ban nhân dân các cấp (điều 77), các đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh; quản lý, kiểm soát chất lượng các sản phẩm du lịch trên địa bàn; kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về hoạt động kinh doanh du lịch thuộc thẩm quyền.
Về điều kiện kinh doanh lữ hành (điều 32), các đại biểu cho rằng quy định như dự thảo hiện vẫn còn sơ sài, nên quy định rõ, chi tiết điều kiện kinh doanh lữ hành Quốc tế, nội địa, cụ thể như: Người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế phải có thời gian ít nhất bốn năm hoạt động trong lĩnh vực lữ hành; Có ít nhất ba hướng dẫn viên được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế (theo khoản 3, 4 điều 46 luật Du lịch 2005).
Về Hướng dẫn viên du lịch, thẻ hướng dẫn viên du lịch: Đại biểu đề nghị bỏ mục c, khoản 2, điều 51 vì không cần thiết.
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị nên đưa điều 85 của Luật 2005 vào Dự thảo luật Du lịch (sửa đổi) để đảm bảo cho hoạt động du lịch được thực hiện nghiêm minh.
Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về Nội dung xúc tiến du lịch; về Bảo đảm an toàn cho khách du lịch; về Các hành vi bị nghiêm cấm; Về bảo vệ môi trường du lịch; Phí thẩm định, cấp phép kinh doanh lữ hành...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Phương, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cảm ơn các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn của các đại biểu, cho rằng, các ý kiến góp ý tại hội nghị rất xác đáng, xuất phát từ thực tiễn.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý, Đoàn sẽ tổng hợp, làm tư liệu để các đại biểu tham gia góp ý tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Đinh Ngọc - Thế Minh